Nhiều khó khăn và thách thức
Những ngày cuối tháng 8/2023, tại Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn nhằm trao đổi, đánh giá những khó khăn, thách thức và kết quả phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Đến với diễn đàn có đại biểu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng; Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam; Công ty Cổ phần Sorimachi; Công ty CP Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO; các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng; các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội và bà con nông dân…

Mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại Lâm Đồng
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững phải tuân thủ 4 nguyên tắc: sức khỏe, sinh thái, cẩn trọng và công bằng. Nông nghiệp hữu cơ cần tăng cường sức khỏe của đất, của cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời. Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật.
Hội Nông nghiệp tuần hoàn cũng cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn là con đường tất yếu, chủ động và hiệu quả của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ thói quen lạm dụng hóa chất trong trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng nước quá nhiều trong chăn nuôi và xả thải ra môi trường...không dễ.

Ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Sorimachi về cung cấp phần mềm, giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Nhưng là xu thế và tất yếu
Các giải pháp chính được các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia tập trung thảo luận là: (1) Cơ chế chính sách để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. (2) Đào tạo nguồn nhân lực để hiện thực hóa và hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Chính phủ, Bộ đã ban hành. (3) Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế. (4) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. (5) Thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. (6) Hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp .v.v…

Nông dân chủ động thức ăn và đảm bảo nguồn nước sạch nuôi cá ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng- nơi có tiềm năng phát triển cá tầm lớn nhất khu vực các tỉnh Tây Nguyên
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế, mang lại hiệu quả bền vững. Chính vì vậy, người làm nông nghiệp hữu cơ không sản xuất theo phong trào mà phải xem xét các điều kiện về thời gian, kinh tế, đất đai, trình độ cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm. “Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, những định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn sản xuất”, ông Thanh nhấn mạnh.

Việt Nam đứng thứ 7 châu Á về diện tích hữu cơ năm 2021
Nông nghiệp hữu cơ:
*Thế giới: Năm 2022, 190 quốc gia có sản xuất với 76 quốc gia có quy định, luật nông nghiệp hữu cơ; tổng diện tích trên thế giới đạt 74,9 triệu ha, giá trị thị trường sản phẩm khoảng 136,4 tỷ USD(Báo cáo Fibl 2023)
* Việt Nam: khoảng 500.000 ha trong khoảng 11,5 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Có 46/63 tỉnh, thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với sự tham gia của 100 doanh nghiệp và 17.000 nông dân. Doanh thu 350-400 triệu USD/năm (nguồn Trung tâm KNQG, 2023).