Sau một ngày các đại biểu tham quan các mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Hội thảo Khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024 “Ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” và Diễn đàn “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo và Diễn đàn
“Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng đô thị” là tham luận của các tác giả Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT. Theo các tác giả, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông... Một số giải pháp là: Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị (NNĐT) công nghệ cao (CNC) ứng dụng CĐS và AI; Ứng dụng blockchain để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm hữu cơ cho đô thị.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu thế CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, Big Data hay blockchain sẽ là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm từ NNĐT…
Các đại biểu tham quan mô hình nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng chuyển đổi số tại Lâm Đồng
Nhiều tham luận bàn cụ thể về thực trạng, giải pháp, kết quả và những bài học kinh nghiệm về CĐS trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Đó là các tham luận của các nhà quản lý chuyên môn, các doanh nghiệp đến từ tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Phú Thọ, thành phố Hải Phòng…
Tỉnh Lâm Đồng nêu một số giải pháp như: Ban hành những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0 với lộ trình và nguồn lực hợp lý; theo đó, các địa phương trong tỉnh tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp IoT trong quản lý trang trại, sản xuất, bán hàng, kho bãi, tài chính, truy xuất nguồn gốc trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh;
Đó còn là, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh 4.0, bao gồm cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cán bộ khoa học và nông dân để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0. Thực hiện dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ thị trường xuất khẩu theo cam kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và RCEP. Và cùng với đó là xây dựng kế hoạch dài hạn triển khai nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm OCOP có tính đặc thù mỗi địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2025...
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi số trưng bày bên lề Hội thảo
Với thành phố Hà Nội, các tác giả đã nêu một số tồn tại, hạn chế hiện nay như: CĐS trong nông nghiệp mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể nên bước đầu triển khai còn lúng túng; ứng dụng các công nghệ CĐS chưa được nhiều…do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán; nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư CĐS còn hạn chế;… Các giải pháp thực hiện bao gồm: tuyên truyền, thay đổi nhận thức; khoa học công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tài chính.
Ứng dụng CĐS trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này đã đặt ra một số đề xuất, kiến nghị. Đó là, tạo điều kiện cho cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp cận, thụ hưởng các chính sách; tăng cường công tác hỗ trợ liên kết, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ, triển lãm, chợ phiên nông sản an toàn nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hữu cơ, kết nối thị trường tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định và tổ chức khảo sát, học tập các mô hình tại các tỉnh, thành; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm, tác nhân phòng trừ, phân hữu cơ sinh học…; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hữu cơ…
Đại biểu thưởng thức các món ăn từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong giờ giải lao
Với tỉnh Bắc Ninh, địa phương này cho rằng, để CĐS trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm tới ngoài chính sách hiện có cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là, Nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của CĐS; Bộ NN&PTNT với Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu tàu kết nối để phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet băng thông rộng chất lượng cao đến tận xã, thôn, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông cho người dân…; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và hoàn thiện chính …
Còn thành phố Hải Phòng đúc kết một số bài học từ thực tiễn địa phương như: Tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật; tập huấn, phổ cập kỹ năng số; sử dụng các phần mềm, công nghệ để thu thập, lưu giữ, kiểm soát sản xuất; tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thiết bị thông minh để tự động hóa nhiều quy trình trong chu kỳ sản xuất; tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ; con người là khâu then chốt trong việc ứng dụng công nghệ số…