Nông nghiệp sạch

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Thứ năm, 11/4/2024 | 11:34 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện 35/CĐ-TTg yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Theo công điện, thời gian gần đây đã có nhiều về phản ánh về việc hoạt động xuất khẩu dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do thị trường khó khăn, giá giảm và còn vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về xuất, nhập khẩu dược liệu; bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.

Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này phải hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

Ảnh minh họa

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có trên 5.000 loài cây thuốc. Nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm vừa có công dụng chữa bệnh, vừa có giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến... được phân bố rộng khắp trên cả nước. Việt Nam cũng được ghi nhận là 1 trong 15 nước có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu.

Bên cạnh việc khai thác hiệu quả tiềm năng dược liệu, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Song song với hoạt động điều tra cơ bản, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, vườn quốc gia... tập trung nghiên cứu bảo tồn những cây thuốc hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, cây thuốc có giá trị.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn đang phát triển các vùng sản xuất dược liệu mang tính tự phát, phong trào, cục bộ, chưa theo quy hoạch tổng thể. Do đó, sản lượng và chất lượng dược liệu không ổn định, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, chất lượng sản phẩm, không bảo đảm đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô công nghiệp và xuất khẩu dược liệu.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Thủ tướng về đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030”. Trong đó, các hoạt động nuôi trồng và thu hái dược liệu trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo nguyên tắc GACP - WHO và thực hành sản xuất, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GMP – WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sàn giao dịch thương mại điện tử về dược liệu và các sản phẩm chế biến sâu. Đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến các sản phẩm tinh chế, phù hợp yêu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu dược liệu để xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu Việt Nam trong và ngoài nước.

Mỹ Dung (T/H)