Nông nghiệp sạch

Phát triển sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Thứ tư, 10/4/2024 | 10:02 GMT+7
Ngày 9/4, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Bayer Việt Nam ký cam kết về kế hoạch thực hiện “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” năm 2024.

Tại lễ ký kết, ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc nhánh Khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam nhận định, Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn, đặc biệt trình độ khoa học, kỹ thuật sản xuất nông sản sạch, an toàn của nông dân Việt Nam ngày càng tiến bộ. Điều này được minh chứng rõ ràng khi các ngành hàng lúa gạo, cà phê, sầu riêng… của Việt Nam liên tục lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu. 

Ông Kg Krishnamurthy cho biết, ngành hàng sầu riêng là trọng tâm hợp tác của năm 2024. Dựa trên thành công của mô hình trồng sầu riêng tại Đắk Nông, dự án sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn sẽ được nhân rộng ra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua kế hoạch đã ký kết, phía Bayer mong muốn hỗ trợ nông dân Việt Nam các giải pháp quản lý dịch hại trong điều kiện thời tiết đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt ký cam kết với Giám đốc nhánh Khoa học cây trồng của Bayer Việt Nam

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đánh giá, chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về quy mô và tinh thần đồng hành của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm sử dụng hoạt chất hóa học, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp xanh.

Thông qua chương trình, Cục Bảo vệ thực vật hướng đến thiết lập và chuẩn hóa các quy trình chăm sóc cây trồng chủ lực nhằm đem lại hiệu quả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, giảm bớt chi phí đầu vào. Đồng thời, tập huấn cho bà con nắm rõ quy trình này và áp dụng thuận tiện, dễ dàng trong thực tế. Việc triển khai các mô hình cũng nhằm giúp bà con thấy rõ kết quả và lợi ích mang lại, từ đó nhân rộng ra các địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, để các mô hình canh tác được lan tỏa, cần đảm bảo độ chính xác khoa học cao mà nội dung vẫn dễ tiếp cận cho nông dân. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thời gian qua, Cục trưởng đề nghị Bayer Việt Nam tích cực phối hợp đẩy mạnh truyền thông về kỹ thuật, thúc đẩy nhận thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, kiểm soát dư lượng nông sản phục vụ xuất khẩu.

Theo kế hoạch, năm 2024, Bayer Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật xác định trọng tâm tập huấn cho 3.000 nông dân, đại lý, nhà phân phối thuốc bảo vệ thực vật tại Đắk Nông và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả để phòng trừ các sinh vật gây hại trên một số cây trồng chủ lực như lúa, sầu riêng tại một số tỉnh phía Bắc và Đắk Nông. 

Hai bên sẽ hợp tác tổ chức nhiều hội thảo kỹ thuật, hội thảo về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng tài liệu, quy trình phòng trừ sinh vật gây hại trên một số cây trồng chủ lực. Đẩy mạnh và tạo sự lan tỏa nhiều mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, sản phẩm sinh học, hữu cơ tốt. Bên cạnh đó, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chuyên môn ở địa phương và các cấp, ngành liên quan, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi, giá trị cao và bền vững.

Khánh An (T/H)