Nông nghiệp sạch

Ngành nông nghiệp triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc dữ liệu

Thứ tư, 10/4/2024 | 11:16 GMT+7
Tổ Kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Viện Chiến lược chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc dữ liệu.

Hội nghị nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp năm 2024, triển khai nhiệm vụ về xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử, kiến trúc dữ liệu phục vụ công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Tổ trưởng Tổ Kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 cho biết, để thực hiện, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số cần có quy hoạch, quy chuẩn và quy chế. Cụ thể, việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử cần quy hoạch có hệ thống cơ sở dữ liệu, lĩnh vực, liên lĩnh vực, nền tảng ngành và các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Về quy chuẩn, tập trung xây dựng mô hình dữ liệu, chuẩn trao đổi dữ liệu, từ điển dữ liệu và thực hiện mở dữ liệu theo quy định. Về quy chế, cần xây dựng các quy định bắt buộc, khuyến nghị tuân thủ các nội dung quy hoạch và quy chuẩn.

Ảnh minh họa

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện Chiến lược chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số có tác động quan trọng với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Việc hoàn thành chuyển đổi sang Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số sẽ đảm bảo tiến trình đưa CNTT vào quản trị, quản lý. Đây cũng là bước đi giúp ngành nông nghiệp phát triển xanh, bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn… theo tiêu chuẩn và cam kết quốc tế. Quá trình chuyển đổi số gắn liền với các hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại kỹ thuật số mở rộng cũng như ảnh hưởng tới các hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản.

Đại diện Viện Chiến lược chuyển đổi số nhấn mạnh, kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc dữ liệu là hai nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT. Việc không tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử sẽ gây ra bất đồng nhất về giải pháp khi áp dụng kỹ thuật, công nghệ xây dựng hệ thống thông tin, nền tảng số. Không xây dựng kiến trúc dữ liệu thì không thể hình thành dữ liệu, cơ sở dữ liệu theo các lĩnh vực chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương, hoặc gây mâu thuẫn trong quá trình chia sẻ, liên thông dữ liệu gây tốn kém nguồn lực và kéo dài thời gian đầu tư.

Việc xây dựng một kiến trúc Chính phủ điện tử là cực kỳ cần thiết để tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng chung các tài nguyên CNTT trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức khác nhau là điều quan trọng để tạo ra những quyết định thông minh và có trách nhiệm. Hiện nay, dữ liệu là quyền lực; việc có khả năng truy cập và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, an toàn giữa các đơn vị là chìa khóa để đưa ra những quyết định dựa trên bằng chứng và thông tin chính xác.

Mặt khác, việc sử dụng chung các tài nguyên CNTT không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt và hiệu quả. Thay vì mỗi cơ quan hoạt động độc lập với các hệ thống riêng biệt, việc sử dụng tài nguyên chung có thể tối ưu hóa sự phối hợp, tăng cường khả năng thích ứng của Chính phủ với các thách thức mới.

Vì vậy, việc xây dựng một kiến trúc Chính phủ điện tử không chỉ là nhiệm vụ cần thiết của ngành nông nghiệp mà còn là một cam kết phát triển và hiệu quả của quốc gia. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng có một hệ thống linh hoạt, đáng tin cậy, hiệu quả trong thời đại số hóa ngày nay.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang chỉ ra rằng, việc cập nhật, điều chỉnh khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ phải bắt đầu từ những tác động, thay đổi chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp, các quy chế, quy trình, thế chế... tác động trực tiếp, cụ thể đến Bộ NN&PTNN. Sự vận hành của Bộ bao gồm 3 cấu phần chính: Bộ với tư cách một đơn vị thành viên Chính phủ; hoạt động dịch vụ công điện tử với tư cách một thành phần của Chính phủ điện tử; các hoạt động kết nối, hợp tác, mạng lưới và tương tác.

Mỹ Dung (T/H)