Văn hóa, du lịch

Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh

Thứ ba, 21/3/2023 | 14:30 GMT+7
Ngày 21/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo thông tin tại hội thảo, Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử, văn hóa. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi sản sinh, tụ hội những anh hùng, hào kiệt của dân tộc.

Thủ đô Hà Nội ngày nay tiếp tục là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.

Hà Nội cũng được biết đến là “Thành phố di sản” với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có những di sản được công nhận ở tầm quốc tế.

Hà Nội còn là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, khoảng 70 không gian sáng tạo.

Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử, văn hóa

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm phát triển của thành phố là kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, hội thảo là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Thông qua sự kiện, mong rằng các nhà khoa học, các chuyên gia tích cực đóng góp ý kiến thiết thực, trách nhiệm để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 70 tham luận với hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận. Trong đó, tập trung làm rõ một số chủ đề như: luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa Thăng Long - Hà Nội; nhận diện các nguồn lực văn hóa, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chuyển hóa nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo; giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, nhất là phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”; các nhiệm vụ, giải pháp, nổi bật là giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ hội thảo còn có không gian văn hóa trải nghiệm, bao gồm một số không gian văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống tinh xảo, mang đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội…

Việt Nga