Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam

Thứ tư, 29/3/2023 | 16:08 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo tham vấn các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam.

Hội thảo nhằm trao đổi kiến thức về các đổi mới trong sản xuất lúa chất lượng cao, carbon thấp ở Việt Nam.

Theo thông tin tại hội thảo, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu nông hộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến thương mại trong sản xuất lúa gạo cũng có những chuyển đổi tích cực...

Hội thảo tham vấn các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng nêu rõ, ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, thiếu sự liên kết hợp tác giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp, các biện pháp canh tác còn chưa bền vững, gây phát thải lớn khí nhà kính... Theo đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách và chương trình nhằm đẩy mạnh việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp, trong đó có đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. 

Theo đề án, giống lúa được sử dụng là giống có chứng nhận đảm bảo chất lượng; quy trình canh tác theo hướng bền vững, tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải; tổ chức sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; tạo thu nhập cao cho người trồng lúa và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, đề án cũng hướng đến cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa và ứng dụng nhanh công nghệ cao, công nghệ số để thực hành canh tác lúa chính xác và thông minh, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, có chứng nhận sản phẩm sinh thái.

Về đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, đây là sáng kiến tốt, đúng thời điểm khi ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải thấp. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Ngân hàng Thế giới hỗ trợ về sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải để bán tín chỉ carbon cho các thị trường carbon trên thế giới. Vì vậy, các quỹ tài chính và Ngân hàng Thế giới đã sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ Việt Nam thực hiện đề án.

Trong hội thảo, ông Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, nhà khoa học danh dự của IRRI chia sẻ, sản xuất lúa gạo gây ra lượng khí thải carbon cao, đặc biệt từ các cánh đồng bị ngập nước liên tục, sử dụng nhiều yếu tố đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng, đốt và ủ rơm rạ cũng như thất thoát sau thu hoạch. Những vấn đề trên đều xảy ra ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và sản xuất bền vững. 

Với quan hệ nhiều năm hợp tác giữa IRRI và Việt Nam, IRRI sẽ tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa với Bộ NN&PTNT. Cụ thể, IRRI cố gắng kết hợp sử dụng các nghiên cứu, phương pháp để ứng dụng vào phát triển ngành lúa gạo Việt Nam; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng, từ đó cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống. Từ việc giới thiệu giống mới giúp tăng giá trị cho hạt gạo, IRRI có những kế hoạch và chiến lược lâu dài với Việt Nam, hướng tới 3 trụ cột: nghiên cứu, phát triển và tính tác động.

Khánh An