Văn hóa, du lịch

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với du lịch địa phương

Thứ hai, 28/11/2022 | 16:29 GMT+7
Nhân dịp tham dự diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương” tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, du lịch văn hóa nói riêng đối với sự phát triển của các địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Bộ được lắng nghe các đại biểu, chuyên gia thảo luận, đưa ra sáng kiến, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh Bộ cũng đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chiến lược xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022”

Bên cạnh đó, Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã nêu rõ định hướng tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương, đồng thời cũng tham gia vào việc tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị. Việc thực hiện đề án "Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO" từ cuối năm 2021 cũng được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo các thành phố như TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt... trở thành những thành phố sáng tạo mới của Việt Nam.

Trong lĩnh vực du lịch, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp, các địa phương, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng thời gian qua, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Để phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của địa phương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số giải pháp. Bao gồm: các cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của ngành công nghiệp hóa trong việc khai thác thế mạnh của địa phương. Chú ý việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến văn hóa sáng tạo để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển. Có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Coi trọng tính liên kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với du lịch, trong đó có du lịch văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hóa các ngành công nghiệp văn hóa địa phương…

Huyền Dung