Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho biết: Tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, các tiềm năng và lợi thế văn hóa, thiên nhiên sẵn có đang được khai thác như nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không ít trường hợp quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu và lợi nhuận lên trên hết mà không chú trọng bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, khiến tình trạng di sản bị khai thác cạn kiệt, xâm hại, làm thay đổi diện mạo di tích, làm cho các hình thái văn hóa và di sản văn hóa ngày càng mất đi giá trị chân thật, mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Theo ông Trần Văn Mạnh, phát triển kinh tế như vậy không phải là phát triển đúng nghĩa mà là phát triển nhất thời, thiếu bản sắc, hài hòa, không có lợi cho tương lai phát triển của quốc gia. Vì vậy, công tác bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cần được ưu tiên chú trọng, nhất là khi đất nước đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, cần lưu tâm đến thách thức là xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa đồng thời bảo tồn di sản một cách bền vững.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2022/11/24/dien-dan-bao-ton-di-san-20221124090806463.jpg)
Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa”
Do đó, để bảo tồn và giữ gìn giá trị di sản, cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hóa.
Công ước của UNESCO đã khẳng định: không có văn hóa nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng, trong đó doanh nhân, doanh nghiệp là một phần quan trọng của cộng đồng. Theo đó, để khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn di sản, cần có chính sách phù hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức để doanh nhân, doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm tự giác chăm lo, bảo vệ vun đắp các di sản. Doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan tỏa giá trị di sản hài hòa, nhân văn và có bản sắc.
Ông Trần Văn Mạnh nhấn mạnh: Di sản có giá trị được khai thác đúng mức sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển các ngành kinh tế có liên quan, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản cần có trách nhiệm, kế hoạch đầu tư trở lại việc bảo tồn và xem đây là một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự giác trích lợi nhuận thu được từ khai thác di sản để đóng góp, thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và giữ gìn di sản.
Góp ý tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa đã cùng thảo luận về công tác bảo tồn di sản. Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho biết, với du lịch, văn hóa là nền tảng để phát triển, Việt Nam với tài nguyên văn hóa phong phú qua ngàn đời, di sản văn hóa không chỉ là di sản đơn thuần mà là nguồn lực để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện có nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ có khai thác kinh tế. Vì vậy, cần phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp phải thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho rằng, bên cạnh vai trò của nhà nước, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.
Trong những năm qua, song hành với việc ban hành các chủ trương, đường lối và chính sách về bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, Nhà nước luôn quan tâm dành một nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách cũng như thông qua việc xã hội hóa và đóng góp từ các cá nhân doanh nhân, doanh nghiệp dành cho việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa. Qua đó, di tích, danh thắng được kiểm kê, bảo vệ; thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy...
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển và trao truyền di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau cần đảm bảo tính khoa học, không bảo tồn theo hình thức. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ đang soạn thảo sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó vấn đề quan trọng nhất là đưa giá trị di sản văn hóa vào phát triển kinh tế được bổ sung và giải quyết nhằm đáp ứng những nguyện vọng của xã hội.
Ngoài ra, ông Trần Đình Thành cũng tán thành với ý kiến: doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển. Qua đây, ông đề xuất mong muốn, khi doanh nhân đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài tâm huyết, công sức và nguồn lực, cần có hiểu biết sâu sắc về di sản, không làm theo phong trào, hình thức.