Phát triển không gian ngầm tại các đô thị thông minh

Thứ bảy, 22/6/2019 | 15:35 GMT+7
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng Mai Thị Liên Hương cho rằng, với bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới, cần phải khẳng định phát triển không gian ngầm như là một trong những bước đi tất yếu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại ở các TP lớn của Việt Nam.

Trả lời trên báo Xây dựng, bà Hương cho biết, không gian xây dựng ngầm đô thị là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị bao gồm: Công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật.

Nhìn ra thế giới, hiện nay các đô thị được coi là văn minh, hiện đại nhất như: New York, Tokyo, Seoul, Singapore… đều đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống công trình ngầm. Trong suốt quá trình phát triển của các đô thị nói trên, không gian ngầm đã cho thấy một vai trò hết sức quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của đô thị. Việc kết nối thuận tiện giữa hệ thống giao thông ngầm với các công trình kiến trúc, trung tâm thương mại, dịch vụ ngầm và giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất đã làm thay đổi thói quen di chuyển, sinh hoạt, mua sắm của người dân đô thị, biến không gian ngầm trở thành “Xã hội thứ hai dưới mặt đất” chứa đựng đầy đủ các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Mặt khác, việc ngầm hóa, bố trí các đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng, đường dây, cáp viễn thông, điện lực vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã làm giảm thiểu tình trạng đào đường và “mạng nhện” dây cáp. Có thể thấy rằng, việc phát triển không gian ngầm là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Với bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới, cần phải khẳng định phát triển không gian ngầm như là một trong những bước đi tất yếu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại ở các TP lớn của Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Ngay từ khi Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 được Quốc hội thông qua vào năm 2009, nội dung quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã được chú trọng, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị. Để hướng dẫn chi tiết nội dung quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành các công trình ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị và Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đã được ban hành như: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật, QCVN 13:2018/BXD về Gara ôtô, QCVN 08:2018/BXD về công trình tàu điện ngầm; Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 104:2007 về đường đô thị - yêu cầu thiết kế…

Như vậy, trong nhiều năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý không gian xây dựng ngầm đã có nhưng chưa được chính quyền các địa phương, các đô thị quan tâm đúng mức. Một số hạn chế trong việc thực thi quy định về quản lý không gian ngầm đô thị có thể kể đến như sau: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian xây dựng ngầm đô thị chưa được quan tâm; hiện tại chỉ có 18 tỉnh, TP trên cả nước ban hành quyết định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về không gian xây dựng công trình ngầm đô thị. Hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình ngầm không đầy đủ, chưa thể hiện được tính kết nối, mối quan hệ giữa các công trình ngầm với nhau và giữa công trình ngầm với công trình trên mặt đất, dẫn đến khó khăn cho công tác lập quy hoạch.

Việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm chủ yếu mới được lồng ghép vào đồ án quy hoạch chung của một số đô thị loại đặc biệt và loại I. Do yêu cầu bức thiết từ thực tiễn, một số đồ án quy hoạch về không gian xây dựng ngầm tại Hà Nội và TP.HCM đang được tiến hành lập như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới không gian xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận nội thành TP Hà Nội; Quy hoạch phát triển không gian ngầm khu trung tâm TP.HCM (vùng lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM).

Theo bà Hương, trước thực trạng phát triển của các đô thị lớn trong nước và bài học thực tiễn của Hà Nội và TP.HCM, ngay từ bây giờ, tất cả các đô thị từ loại III trở lên trên cả nước cần phải quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý không gian ngầm đô thị và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm để phát triển đô thị theo hướng bền vững. Trước mắt các đơn vị có liên quan cần tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm đô thị. Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu giúp cấp có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị.

Hải Đăng