Nông nghiệp sạch

Lâm Đồng tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Thứ sáu, 3/3/2023 | 10:58 GMT+7
Tỉnh Lâm Đồng tăng cường tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt phục vụ sản xuất, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện trên 300.000ha diện tích canh tác nông nghiệp, trong đó hơn 1/3 là đất bazan màu mỡ. Địa phương cũng có điều kiện khí hậu đặc thù với 4 vùng sinh thái riêng biệt để phát triển đa dạng hóa các loại nông sản đặc trưng như rau, hoa ôn đới, cây ăn quả và các cây công nghiệp chè, cà phê… tạo ra hàng ngàn sản phẩm khác nhau.

Những năm gần đây, việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã được tỉnh này chú trọng, triển khai. Hiện tỉnh có khoảng trên 283.000ha diện tích các loại cây trồng tạo ra nguồn phụ phế phẩm có khả năng tái sử dụng theo hướng tuần hoàn. Trong đó lúa chiếm khoảng 27,500ha, ngô 8,400ha, cây rau các loại 73,500ha, đậu các loại 985ha và cà phê 172.000ha… Tổng khối lượng thu được từ nguồn phụ phẩm trồng trọt trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 1,62 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, phế phụ phẩm cây rau của tỉnh thu được hiện khoảng 894.000 tấn/năm và được nông dân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ lại trên vườn làm phân bón. Đối với cây lúa, phụ phẩm thu được vào khoảng 215.000 tấn/năm và được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm hoặc được kết hợp để làm phân bón cho cây trồng, phủ mặt luống giữ ẩm cho đất sản xuất rau. Phụ phẩm thu được từ vỏ quả cà phê của địa phương cũng được ghi nhận khoảng 211.000 tấn/năm, được nông dân dùng ủ phân bón hữu cơ, đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch.

Bên cạnh đó, phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản hiện khoảng 6,200 tấn, tất cả được người dân, doanh nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi. Nguồn phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống, rau các loại của tỉnh cũng được ủ để làm giá thể ươm cây giống.

Tỉnh Lâm Đồng tăng cường tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, khối lượng chất thải từ chăn nuôi của tỉnh ước khoảng trên 1 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, có trên 70% khối lượng chất thải rắn như phân, chất độn chuồng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được thu gom, ủ vi sinh để làm phân bón cho cây trồng; có khoảng 80% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt, một phần được thải vào các bể sinh học để nuôi cá và tưới cho cây trồng, đồng cỏ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp thời gian qua đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch. Mặt khác, việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất còn giúp tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo được tính đồng bộ, gắn kết giữa các trang trại, các doanh nghiệp nhằm góp phần ổn định trong chuỗi sản xuất và môi trường, hướng đến kinh tế xanh nhằm cải thiện năng suất lao động, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng lên kế hoạch xử lý 30% phụ phẩm trên cây rau thành nguồn phân bón hữu cơ vi sinh, 100% phụ phẩm vỏ quả cà phê được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp, 100% phụ phẩm từ cây lương thực được xử lý làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, xử lý 100% phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản thành thức ăn chăn nuôi và 100% phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống rau được ủ tái sử dụng làm giá thể ươm cây giống. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến xử lý 90% khối lượng chất thải thành phân bón, khí sinh học.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng tăng cường thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và các chương trình, đề án khác để xây dựng và nhân rộng mô hình chế biến phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi và tạo phân bón hữu cơ. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng mở rộng hình thức liên kết gắn với quy trình tái chế. Ngành nông nghiệp cũng sẽ hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hỗ trợ chứng nhận sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn GAP. Ngoài các tiêu chuẩn trong nước, ngành nông nghiệp ưu tiên đẩy mạnh phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP...

Ông Nguyễn Văn Châu thông tin thêm, Sở sẽ cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý các cấp về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp còn đưa ra giải pháp về nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ và phế phẩm nông nghiệp thông qua việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bổ sung danh mục các dự án sản xuất phân bón từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ. Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Theo nongnghiep.vn