Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp Lào Cai theo hướng xanh, bền vững

Thứ tư, 8/2/2023 | 15:41 GMT+7
Ngành khuyến nông Lào Cai đã không ngừng đổi mới công tác hoạt động, bám sát định hướng của tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh, bền vững.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, hướng đến các vùng sản xuất hàng hóa an toàn, phát huy lợi thế của từng địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình trình diễn được triển khai đảm bảo yêu cầu, bám sát định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh, bền vững.

Bên cạnh các mô hình khuyến nông, Trung tâm còn tổ chức 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; đồng hành, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, với 12 lớp về trồng trọt và 3 lớp về chăn nuôi tại 7 huyện, thị xã. Các học viên sau khi kết thúc khóa học có kiến thức vững vàng để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm cũng đã nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực, gần gũi, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và bà con nông dân. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai còn tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Trong đó, 30 sản phẩm (20 sản phẩm OCOP và 10 sản phẩm đặc sản địa phương) đã được quảng bá trên trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông” tại địa chỉ:http://phiencho.khuyennongvn.gov.vn; ứng dụng chuyển đổi số trong việc đưa tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật mới với các nội dung như dự tính, dự báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Lào Cai.

Ngành khuyến nông Lào Cai phấn đấu theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động, trong đó thay đổi tư duy và cách tiếp cận khuyến nông, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ” sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất; kết nối giữa sản xuất và thị trường; đồng hành cùng nông dân…). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động, từ mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững.

Cụ thể, ngành sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: bám sát các đề án về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi bền vững, hình thành các mối liên kết vùng trong sản xuất, chủ động thị trường; áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, GAP, GACP... để tăng giá trị sản phẩm, sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Tăng cường công tác tuyên truyền đa hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, bản tin... trên cơ sở phân khúc nhóm đối tượng (vùng cao, vùng thấp) về đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; thị trường nông lâm sản; khoa học kỹ thuật, giống mới; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái... để phục vụ nhu cầu thông tin về nông, lâm nghiệp cho người sản xuất.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các hoạt động khuyến nông để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Thực hiện tốt công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất thực tế, đặc biệt là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… hướng tới nền sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả.

Linh Giang (T/H)