Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 19/10/2022 | 12:33 GMT+7
Ngày 18/10, Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao chủ trương chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với biến đổi khí hậu từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.

Mặt khác, điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu.

Theo đó, hội thảo lần này có hai phiên thảo luận, tập trung vào phân tích thực trạng, chính sách, kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết nối các hợp tác xã trong nước với quốc tế để mở rộng cơ hội giao lưu, phát triển thị trường liên quan tới mô hình hợp tác xã nói riêng và kinh tế thương mại nói chung. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng thảo luận, đề xuất ý kiến xoay quanh vấn đề phát triển nông nghiệp sạch và hợp tác nông nghiệp đa phương.

Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu”

Cụ thể, phát biểu tại hội thảo, ông Ian Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khẳng định, Anh được xem là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đứng thứ 9 trong số các quốc gia cùng vùng lãnh thổ trên thế giới và thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Âu, châu Mỹ… Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào Anh. Hai bên cũng đã ký kết Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực chính thức từ 1/5/2021. Theo đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm có mức thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn hoặc xóa bỏ dần theo quy định trong Hiệp định.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã giới thiệu Khung chương trình hợp tác FAO - Việt Nam về phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh, đối với phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các chính sách về ngân hàng dữ liệu nông nghiệp quốc gia và cơ chế chia sẻ dữ liệu minh bạch; xây dựng chiến lược số hóa trong nông nghiệp liên kết với chương trình nông thôn mới; hỗ trợ ưu đãi cho hộ dân quy mô nhỏ; thúc đẩy nền kinh tế đoàn kết và liên kết trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho hộ nông dân sản xuất nhỏ về công nghệ mới…

GS. Trần Đăng Xuân, khoa Nông nghiệp thông minh, Cao học về đổi mới và thực hành xã hội, Đại học Hiroshima, Nhật Bản đề xuất, cần thúc đẩy đưa ra tiêu chuẩn GAP Việt Nam, GAP toàn cầu và các tiêu chuẩn khác được quốc tế thừa nhận; song song với tăng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bền vững. Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ nông dân về bảo hiểm nông nghiệp; tăng cường chế biến và bảo quản thực tế tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho thực tập sinh công nghiệp đến Nhật Bản và các nước phát triển khác để nâng cao kiến thức về nông nghiệp xanh, bền vững, cũng như nông nghiệp thông minh. Tiến hành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị tăng cao, bao gồm cả gạo dược liệu và cây trồng giảm phát thải CO2.

Theo TS. Chu Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho biết, 1 trong 5 chương trình hành động quan trọng của Liên minh giai đoạn 2022 - 2025 là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực trên cơ sở mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển hợp tác xã hiệu quả bền vững.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Khoa học công nghệ và môi trường với Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Qube (Anh) về phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thanh Tâm (T/H)