Năng lượng tái tạo

Phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

Thứ năm, 20/10/2022 | 11:33 GMT+7
Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện sẽ là động lực thúc đẩy chuyển đổi ngành giao thông vận tải sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”.

Hội thảo là dịp để cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường; chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất những giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam. Đồng thời, hội thảo là dịp để giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trên thế giới tỷ lệ xe không phát thải mới bán ra hiện nay khoảng 2% và ước tính đến năm 2030 là 30% (riêng tại Mỹ là 50%).

Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh, mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.

Việc triển khai các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định.

Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5 - 10 năm và tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Để góp phần hiện thực hóa những cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực đường bộ với việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến tới chuyển đổi ngành giao thông vận tải sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính

Tại hội thảo, các chuyên gia giao thông nhìn nhận, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành. Tuy nhiên, cũng sẽ mang đến không ít những khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.

Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.

Tiến Đạt