Giao thông xanh

Phê duyệt Dự án đường cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương

Thứ hai, 31/3/2025 | 10:11 GMT+7
Gần 74 km là tổng chiều dài đường cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định phê duyệt ngày 31/3. Công trình giao thông đường bộ cấp I với quy mô 4 làn xe cao tốc, có 2 làn dừng khẩn cấp, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1).

Mục tiêu đầu tư dự án là từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc từ Dầu Giây tới Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông Quốc gia, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các Trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương đối ngoại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải.

Tạo bước đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc về phát triển các tuyến đường cao tốc ở Lâm Đồng (ngày 04/9/2024)

Cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương có điểm đầu tại khoảng Km126+484,93 thuộc địa phận phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trùng điểm cuối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Km125+675). Điểm cuối tại khoảng Km200+100, giao với cao tốc Liên Khương - Prenn (Km208+650) thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đường cao tốc đi qua các địa phương như thành phố Bảo Lộc và các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng. Tổng phạm vi chiếm dụng giải phóng mặt bằng của dự án theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh (Bnền =24,75m) là khoảng 610ha. Trong đó: thành phố Bảo Lộc khoảng 37ha; huyện Bảo Lâm khoảng 57ha; huyện Di Linh khoảng 305ha; huyện Đức Trọng khoảng 211ha.

Trong phạm vi dự án hoạch định xây dựng 06 giao cắt khác mức liên thông. Giao cắt trực thông, sẽ xây dựng 35 cầu vượt ngang, 7 vị trí xây dựng đường gom chui dưới cầu và 20 hầm chui trên tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu về tình hình xây dựng các tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với đại diện lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan liên quan của Trung ương và nhà đầu tư 

Về quy mô đầu tư, cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương là công trình giao thông đường bộ cấp I thuộc dự án nhóm A. Cấp đường, giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc với tốc độ thiết kế Vtk=100 km/h (TCVN 5729:2012 - Đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế). Quy mô mặt cắt ngang, cụ thể: Giai đoạn hoàn chỉnh, có 4 làn xe cao tốc Bnền=24,75m, Vtk=100km/h theo Tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729:2012, có 02 làn dừng khẩn cấp. Ở phân kỳ giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường Bnền = 17m theo tiêu chuẩn TCCS 42:2022/TCĐBVN, tốc độ khai thác 80 km/h (Yếu tố hình học theo Tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729:2012 Vtk=100km/h), khoảng 4-5km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp trong cùng một chiều xe chạy với chiều rộng làn dừng khẩn cấp bảo đảm chiều rộng nền đường theo giai đoạn hoàn chỉnh. Tại các vị trí nút giao liên thông, vị trí đắp cao kết hợp đoạn dừng xe khẩn cấp, các đoạn nền đường đào sâu trên 18m và một số vị trí trên tuyến nhằm bảo đảm các yếu tố kỹ thuật mặt cắt ngang được thiết kế theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh Bnền=24,75m.

Cùng với đó, đường cao tốc được bố trí các hạng mục công trình phục vụ khai thác, vận hành cao tốc: Trung tâm điều hành giao thông thông minh, trạm thu phí điện tử không dừng, Trạm dừng nghỉ, công trình kiểm soát tải trọng xe,... bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương sẽ nối với đoạn cao tốc hiện hữu trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương là 17.718 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 7.761 tỷ đồng (chiếm 43,8% tổng mức đầu tư giai đoạn 1), trong đó: vốn ngân sách địa phương bố trí 5.261 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 9.957 tỷ đồng (chiếm 56,2% tổng mức đầu tư giai đoạn 1), trong đó vốn chủ sở hữu nhà đầu tư khoảng 1.494 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước); Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 8.463 tỷ đồng (chiếm 85% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước).

Cũng theo Quyết định phê duyệt, nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP là đại diện Liên danh Nhà đầu tư). Tổ chức tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP.

Minh Đạo
: caotoc