Hướng dẫn các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thực thi chính sách về tài nguyên nước

Thứ ba, 20/8/2024 | 15:10 GMT+7
Tại Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết hệ thống pháp luật mới trong lĩnh vực tài nguyên nước; đồng thời là dịp để các cơ quan quản lý, chuyên gia giải đáp, hướng dẫn quá trình thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên nước cho các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật Tài nguyên nước 2023) được ban hành với mục tiêu quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả, bền vững nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả, bền vững tại các công trình thủy điện

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước trình bày về Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên nước 2023, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Các nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật, được cụ thể hóa qua những điểm mới như: tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quản lý tài nguyên nước, xây dựng Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành; điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”; nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước; một số điểm mới quan trọng khác như: ngưỡng khai thác nước dưới đất, phân vùng chức năng nguồn nước, phòng chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp...

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung những điều mới quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 42). Quy định, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước (khoản 1, Điều 50).

Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình đập, hồ chứa và quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa (khoản 2, Điều 50); việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa và các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; việc vận hành đập, hồ chứa trên sông, suối còn phải bảo đảm yêu cầu cắt, giảm lũ cho hạ du, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan và bảo đảm các nguyên tắc theo quy định (khoản 5, Điều 50).

Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và lãnh đạo các phòng chuyên môn cũng đã giải đáp một số câu hỏi, tháo gỡ vướng mắc của các đại biểu trong quá trình triển khai, thực thi Luật Tài nguyên nước 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật; đặc biệt là những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện.

Các đại biểu đề xuất, để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Mỹ Dung (T/H)