Năng lượng tái tạo

Phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án điện khí LNG Hải Lăng

Thứ năm, 22/12/2022 | 11:06 GMT+7
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị mới đây đã tiếp và làm việc với tổ hợp nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Dự án được đầu tư bởi tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty Năng lượng Hanwha Hàn Quốc (Hanwha), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và Công ty CP Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T).

Dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, thuộc địa bàn xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng). Tổng vốn đầu tư hơn 53.600 tỉ đồng (tương đương 2,32 tỉ USD), với quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha. 

Dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với tổ hợp nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng

Theo báo cáo của nhà đầu tư tại buổi làm việc, đơn vị hiện đang tiến hành lập hồ sơ và thực hiện thỏa thuận chuyên ngành với các Bộ, ngành. Lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và thẩm định thiết kế cơ sở, tiến hành phê duyệt nghiên cứu khả thi… Đến tháng 12/2022, công tác khảo sát, thu thập thông tin/số liệu tại địa điểm cơ bản hoàn thành. Các nội dung báo cáo đang bám sát tiến độ đề ra, một số nội dung cần đẩy nhanh để đồng bộ với tiến độ chung như khảo sát xây dựng, cập nhật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thiết kế cảng...

Đại diện tổ hợp nhà đầu tư cho biết, hiện nay có một số khó khăn, vướng mắc như dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ xem xét phát triển quy mô công suất 1.500 MW tại Hải Lăng, chưa xem xét các giai đoạn sau. Do đó, cần thiết phải xem xét điều chỉnh mặt bằng, diện tích đất phù hợp với quy mô công suất, điều chỉnh các cơ sở pháp lý đã đạt được để có cơ sở phê duyệt nghiên cứu khả thi.

Mặt khác, Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên phương án đấu nối dự án chưa thể xác định, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thỏa thuận đấu nối và các thỏa thuận chuyên ngành điện…

Do đó, nhà đầu tư đề xuất tỉnh Quảng Trị điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ duy trì tiến độ dự án trong Quy hoạch điện VIII, hỗ trợ nhà đầu tư khi đàm phán với Chính phủ sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi.

Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm cũng như những nỗ lực của tổ hợp nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án điện khí LNG Hải Lăng tại Quảng Trị.

Đối với những đề xuất của nhà đầu tư, ông Hà Sỹ Đồng cơ bản đồng tình và giao các ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình đàm phán, hỗ trợ duy trì tiến độ và cập nhật Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị nhà đầu tư thống nhất cử đại diện thành lập doanh nghiệp tại Quảng Trị đúng quy định, đúng luật và để thuận tiện trong công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và tỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Đề nghị nhà đầu tư cùng với tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập nghiên cứu khả thi. 

Cùng với đó, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tỉnh Quảng Trị để tiếp tục thực hiện những nội dung liên quan như hoàn thiện thủ tục chuyển đổi rừng, trồng rừng thay thế; đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng dự án…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị, tổ hợp nhà đầu tư và tỉnh Quảng Trị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngay sau buổi làm việc, tổ hợp nhà đầu tư cần đề ra kế hoạch, lộ trình để giải quyết những vấn đề mà tỉnh đã đề nghị nhằm đạt tiến độ đã đề ra.

Nhã Quyên (t/h)