Sản phẩm, công nghệ

Pin mặt trời đầu tiên tạo điện ở môi trường “gần như tối”

Thứ hai, 17/5/2021 | 15:16 GMT+7
Ricoh (công ty có trụ sở tại Nhật Bản) trình làng tấm pin mặt trời mới với hiệu suất cao hơn 20%, có thể tạo điện ở môi trường ánh sáng yếu.

Theo công bố của Ricoh, mỗi tấm pin mặt trời kích thước 5x8 cm sẽ tạo ra công suất điện tối đa 276 microwatt (1 microwatt là một phần triệu watt). Các tế bào quang điện của pin có thể hoạt động trong mức nhiệt độ từ -30 độ C tới 60 độ C, cao hơn nhiều so với mức 0 - 50 độ C trên các tấm pin mặt trời thông thường.

Pin mặt trời của Ricoh có thể tích hợp trong các thiết bị trong suốt và tạo ra điện bằng cách nhận ánh sáng từ hai phía

Bên cạnh đó, pin mặt trời của Ricoh có thể tạo ra điện ở những nơi "gần như tối" nhờ vào các tế bào quang điện nhạy cảm với ánh sáng mà hãng chế tạo độc quyền. Những tế bào quang điện này có thể "nhúng" trong các tấm nhựa trong suốt do đó có thể nhận ánh sáng từ hai phía.

Theo Ricoh, những tấm pin mặt trời mới sẽ được ứng dụng tại những khu vực khắc nghiệt và không đủ ánh sáng mặt trời, chẳng hạn các nhà máy sản xuất, kho hàng... Sản phẩm sẽ được bán cuối tháng 5.

Ricoh là công ty có trụ sở tại Nhật Bản, nổi tiếng thế giới về máy ảnh và các thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, máy fax... Từ 2020, hãng bắt đầu kinh doanh pin mặt trời, đồng thời kỳ vọng mảng này có lãi từ 2023.

Theo vnexpress.net