Quản lý, bảo vệ nguồn nước sạch trước nguy cơ khan hiếm

Thứ tư, 20/10/2021 | 09:50 GMT+7
Mới đây, tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch” được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong ngành nước sạch.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc hiện không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa. Tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị như Hà Nội, TPHCM mà còn ở cả các vùng nông thôn Tây Nguyên, vùng biển, thậm chí ở vùng sông nước như đồng bằng sông Cửu Long, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Dự báo của WB cũng chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, trong 10 năm tới, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng nhận định, trong khoảng 30 năm gần đây, tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thiếu nước so với thế giới, chỉ khoảng 4.000m3/người/năm – thấp hơn mức trung bình của thế giới. Các số liệu của Bộ TN&MT còn chỉ ra rằng, nguồn tài nguyên nước đang rất thiếu, tình trạng thiếu nghiêm trọng dần theo từng năm và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, có đến 63% trữ lượng nguồn nước là nước ngoại sinh.

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nước rất thấp, thất thoát khoảng 25%, trong đó các công trình thủy lợi hiệu quả sử dụng chỉ đạt 50 - 90% so với năng lực thiết kế.

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. (Ảnh minh họa)

Dưới áp lực kinh tế - xã hội, dân số tăng, ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị, khu công nghiệp, lượng nước thiếu so với nhu cầu khoảng 20 - 30%. Đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng hơn 32%. Nhu cầu sử dụng nước trong 30 năm trở lại đây đã tăng lên gấp 3 lần.

Mặt khác, giá trị gia tăng của một mét khối nước tại Việt Nam đang rất thấp. Theo số liệu của Bộ TN&MT, chúng ta mới chỉ đạt 0,37 USD/m3 nước, chỉ bằng 25% so với Trung Quốc, Nhật Bản... Còn theo số liệu của thế giới, cả nền kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2,37 USD/m3 nước, bằng 1/8 so với mặt bằng chung của thế giới. Có thể thấy hiệu quả sử dụng nước của chúng ta là rất thấp.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nước sạch và nước an toàn của Việt Nam cũng ở mức thấp, có tới 8% các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên nước gặp sự cố về nước. 

Hơn nữa, vấn đề nước sạch cũng đang bị đe dọa bởi các nguồn ô nhiễm bao gồm: 3 tỷ m3 nước thải sinh hoạt không được xử lý thải ra nguồn nước mỗi ngày; 70% lượng phân bón, thuốc trừ sâu được dùng cho cây trồng nông nghiệp bị xả trôi do mưa lũ hoặc tưới tiêu.

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đất, nước và không khí là 3 cụm thành tố đi cùng với nhau cấu thành sự tồn tại. Để đảm bảo an toàn nguồn nước, cần thiết phải có chương trình đánh giá, điều tra xác định nước là yếu tố quan trọng và phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước.

Về giải pháp cho những vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thành đề xuất phải gắn với quy hoạch phát triển. Trước khi chúng ta đưa ra quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp phải đánh giá rất kỹ về nguồn nước, phải trở thành chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời tăng cường đầu tư trọng điểm trạm quan sát, trung tâm điều tra, nghiên cứu, gắn với hệ sinh thái tự nhiên.

Tóm lại, để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, cần có giải pháp về xây dựng tài nguyên nước tầm nhìn dài hạn, hài hòa với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc khai thác hiệu quả với nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, bảo đảm cấp nước sạch cho sinh hoạt, ưu tiên cấp nước hợp vệ sinh cho khu vực hay xảy ra thiên tai, vùng khó khăn, vùng nguồn nước ô nhiễm.

Xuân Hùng