Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Thứ sáu, 12/7/2024 | 16:00 GMT+7
Ngày 12/7, tại Quảng Ninh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi”.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ, thảo luận về tình hình thực thi chính sách, những kinh nghiệm, mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn và vai trò của các bên liên quan trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên và môi trường Mai Thanh Dung cho biết, quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn, 98% đối với chất thải nguy hại đến năm 2030.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những mô hình liên quan đến nhiều nội dung như: xây dựng tài khoản chất thải rắn nghiên cứu điển hình cho tỉnh Quảng Ninh; mô hình xử lý chất thải kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Hitachi Zosen; vai trò quan trọng của cộng đồng trong quản lý rác thải bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; công tác quản lý chất thải rắn tại vịnh Hạ Long.

Hội thảo cũng tiến hành thảo luận và tham quan mô hình phân loại chất thải rắn, thu gom rác nổi tại vịnh Hạ Long; mô hình Ngân hàng rác - Đổi rác lấy tiền và giải pháp đồng xử lý chất thải rắn trong lò nung clinker xi măng của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh; mô hình nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh bãi thải, vùng đất trống.

Ông Đoàn Duy Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng và triển khai chính sách về quản lý chất thải rắn, gắn với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và phát thải ròng. Những kinh nghiệm, góc nhìn, mô hình quản lý chất thải gắn với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải ròng được chia sẻ tại hội thảo sẽ được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững địa phương.

Theo ông Lê Anh Vũ, đại diện HSF Việt Nam, tại Việt Nam, Tổ chức đã hợp tác với các Bộ, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, địa phương, Văn phòng Quốc hội để hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ xã hội, phát triển bền vững và chính sách môi trường.

Lãnh đạo Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nhận định, kết quả của hội thảo góp phần hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích, quan hệ đối tác sáng kiến nhiều bên; đề ra các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Thanh Bảo (T/H)