Đề án có mục tiêu giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án cũng nhằm triển khai truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Từ đó tạo ra một lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/18/cai-tao-dat-20241018143821482.jpg)
Chú trọng sức khỏe đất trong phát triển nông nghiệp bền vững
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam chia sẻ, mục tiêu của quản lý dịch hại tổng hợp là bảo vệ cây trồng và năng suất, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, xây dựng đề án về nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là cần thiết và phù hợp với mục tiêu toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam góp ý, để triển khai Đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón; đẩy mạnh truyền thông, kỷ niệm Ngày Đất và Phân bón thế giới.
Bên cạnh đó, cần phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án; các địa phương cử người tham gia và tổ chức các hội thảo chuyên đề định kỳ về chủ đề sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; lồng ghép các đề án liên quan tới sức khỏe của đất và cây trồng; nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong thống nhất hệ thống phân loại đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón…
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin, đối với Đề án về phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ, Bộ đã thực hiện từ 2017 và đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, lượng phân bón hữu cơ đưa vào sử dụng là 3 triệu tấn, chiếm gần một nửa lượng phân hữu cơ và vô cơ. Con số này cho thấy phân hữu cơ đang được sử dụng nhiều lên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện đánh giá kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đất phù hợp với từng loại cây, góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực, bền vững hơn.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Trồng trọt tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở về tầm quan trọng của thực hiện đề án nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm…