Năng lượng mặt trời

Quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời

Thứ sáu, 29/10/2021 | 09:15 GMT+7
Hội thảo tham vấn về cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” mới đây đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo nhằm giới thiệu bản thảo của cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” qua đó thu thập ý kiến phản hồi, thẩm định, đánh giá từ các nhà hoạch định dự án, quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật trong ngành về nội dung, tính hữu ích của cuốn sổ tay trước khi hoàn thiện và xuất bản chính thức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) do Liên minh châu Âu (EU) và CHLB Đức đồng tài trợ.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tận dụng tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo trong nước để giải quyết những thách thức về năng lượng trong tương lai. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành như: các mục tiêu năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ chế giá điện FiT cho điện gió và điện mặt trời, cùng các ưu đãi khác phi thuế quan ngoài giá điện bao gồm miễn giảm thuế và hỗ trợ tiếp cận các khoản vay ưu đãi...

Những điểm phát triển này tạo nên bước thành công lớn cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng quốc gia, hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững hơn. 

Chuyển dịch hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững hơn

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt ở cấp độ dự án như việc thiếu lực lượng lao động dày dặn kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn về thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo trì nhà máy điện mặt trời; thiếu các cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng, làm tăng nguy cơ sai sót hoặc trục trặc kỹ thuật trong quá trình vận hành. Do đó, quản lý rủi ro là hoạt động cần được xác định kịp thời và đầu tư sớm để giảm thiểu hậu quả và tăng hiệu quả về chi phí.

Tại hội thảo, đội ngũ phát triển nội dung của sổ tay đã giới thiệu đến các đại biểu cấu trúc và những nội dung chính được đề cập trong sổ tay, cũng như quá trình thu thập thông tin dữ liệu để hoàn thiện tài liệu này. Sổ tay hướng đến đối tượng độc giả chính là các nhà đầu tư, nhà thầu và chủ sở hữu nhà máy điện mặt trời, có thể sử dụng sổ tay như một tài liệu tham khảo, tra cứu trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro khi tiếp cận hoặc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất.

Đặc biệt, sổ tay tập trung vào các rủi ro kỹ thuật, vận hành của dự án điện điện mặt trời mặt đất, nêu bật những vấn đề quan trọng được quan sát, theo dõi lặp đi lặp lại liên tục trong các dự án ở Việt Nam và theo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó giúp các bên liên quan tránh được rủi ro gây tốn kém chi phí phát sinh hình thành trong những dự án tương lai và cải thiện hiệu suất của các cơ sở đang hoạt động.

Cũng trong buổi hội thảo, đại biểu đã tham gia vào các phiên thảo luận về quy trình quản lý rủi ro kỹ thuật, vận hành; một số kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam và trên thế giới về các rủi ro trong lĩnh vực điện mặt trời cùng khuyến nghị, giải pháp từ các bên liên quan để giảm thiểu những rủi ro này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Tôi tin rằng cuốn sổ tay này đã được biên soạn vào đúng thời điểm, khi mà việc quản lý rủi ro ngày càng trở nên quan trọng nhằm tăng cường tự tin cho chủ đầu tư nhờ việc đảm bảo lợi nhuận, kiểm soát chi phí và tạo điều kiện tăng trưởng tốt hơn. 

Các chuyên gia năng lượng và cán bộ dự án của GIZ đã tổng hợp rất nhiều kiến thức chuyên môn liên quan đến điện mặt trời ở từ các nước châu Âu trong cuốn sổ tay này. Liên minh châu Âu, bao gồm các quốc gia thành viên vẫn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững”.

Quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất

Ông Sven Ernedal, Giám đốc dự án EVEF chia sẻ: “Với nhiều năm hợp tác với Bộ Công Thương (MOIT), chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc hỗ trợ năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong 4 năm vừa qua với hơn 8GW điện mặt trời mặt đất. 

Nhưng cùng với sự phát triển, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề rủi ro vì thế GIZ và dự án EVEF muốn tiếp cận vấn đề này và đưa ra sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro để cùng chung tay nâng cao chất lượng trong phát triển, xây lắp và quản lý vận hành của các dự án điện mặt trời. Với sự hợp tác rộng hơn nữa với các ban, ngành Trung ương và địa phương, GIZ sẽ tiếp tục hoạt động tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”.

Cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” hướng đến cung cấp các cơ sở lý thuyết để thiết lập chiến lược quản lý rủi ro ở cấp độ dự án, cũng như tổng hợp kinh nghiệm thực tế và khuyến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro đối với các dự án điện mặt trời mặt đất đang và sẽ được phát triển, vận hành trong tương lai tại Việt Nam.

Mạnh Phúc