Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa bão 2024

Thứ ba, 27/8/2024 | 18:15 GMT+7
Tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra, rà soát, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa bão 2024.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, năm 2024, mưa lớn diện rộng tại Quảng Bình sẽ bắt đầu từ tháng 9 cho đến nửa đầu tháng 12. Trong mùa mưa năm nay, khu vực Quảng Bình có khả năng bị ảnh hưởng bởi 4 - 6 đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa từ tháng 7 - 12/2024 tại Quảng Bình phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, đạt từ 110 - 150%.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình cũng dự báo, mùa mưa bão năm 2024 có khoảng 10 - 13 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông và khả năng có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 1 - 2 cơn ảnh hưởng đến khu vực Quảng Bình.

Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa bão

Kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mới đây cho thấy, trong số 151 hồ được kiểm tra, có 112 hồ chứa có kết quả đánh giá an toàn, 22 hồ cơ bản an toàn, 17 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Nhiều hạng mục công trình hồ, đập được phát hiện bị hư hỏng, trong đó hồ Dạ Lam (huyện Lệ Thủy) và hồ Khe Su (huyện Bố Trạch) bị hư hỏng nặng, cần lưu ý trong mùa mưa lũ năm nay. Bên cạnh đó, tỉnh đang có 10 tràn xả lũ chưa được gia cố, nhiều tràn xả lũ bị xói lở thân, thiếu khả năng xả lũ, cần được đầu tư nâng cấp.

Do đó, để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra, tỉnh Quảng Bình chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi. UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước không được tích nước tại các hồ chứa: Dạ Lam, Hóc Chọ (thị xã Ba Đồn) và các hồ chứa hư hỏng, đặc biệt hồ hạn chế tích nước như: hồ Khe Su, Khe Cái, Tróoc Vực, Lục Cục… Đồng thời, tiến hành kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.

Tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý đối với trường hợp xâm phạm gây mất an ninh an toàn công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh; bố trí điều kiện cần thiết để thực hiện phương án ứng phó thiên tai về nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó kịp thời với một số tình huống mưa, lũ bất thường, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khi bố trí nguồn lực phục vụ công tác đầu tư đảm bảo an toàn đập, hồ trong tỉnh phải căn cứ vào danh mục, thứ tự ưu tiên. Với các huyện, thành phố, thị xã, trong quá trình đề xuất đầu tư, bố trí vốn nâng cấp sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp cần bố trí nhân sự đảm bảo có năng lực, kinh nghiệm trong công tác thẩm định dự án về thủy lợi; chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn, sắp xếp, đổi mới quy mô hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở, liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định pháp luật về thủy lợi.

Ngọc Huyền (T/H)