Quảng Nam gắn khai thác tài nguyên khoáng sản với giảm nghèo bền vững

Thứ tư, 2/11/2022 | 08:52 GMT+7
Tỉnh Quảng Nam đang siết chặt hoạt động đấu giá, cấp phép, giám sát trách nhiệm của các đơn vị khai thác khoáng sản vừa để bảo vệ môi trường vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ giảm nghèo bền vững.

Khai thác, sử dụng hợp lý

Huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nằm ở vị trí cửa ngõ, giáp ranh của tỉnh Quảng Nam với tỉnh Tây Nguyên và thành phố Đà Nẵng. Do vậy, tại địa phương này, cùng với số lượng lớn các cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thành phố Đà Nẵng, nhiều dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tài nguyên khoáng sản và xây dựng cũng rất nhộn nhịp, phát triển. Trong điều kiện đó, đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng phải được chú trọng.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, những năm qua lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá, quy hoạch đồng bộ và quản lý ngày càng chặt chẽ, phát huy giá trị phát triển kinh tế. Huyện đã tập trung triển khai thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Từ giai đoạn 2021 - 2030 trở đi, địa phương sẽ quy hoạch khoảng 5 - 7 mỏ cát trên lưu vực 2 sông Vu Gia và Thu Bồn cùng 2 - 3 bãi tập kết, tất cả đều phải được đấu giá trước khi đi vào khai thác hoạt động trong thời gian tới.

Đồng thời, địa phương cũng ban hành công văn tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện và quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản, theo đó đã phân định rõ trách nhiệm cho từng ngành, địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND huyện về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và địa phương.

Quảng Nam có tiềm năng khoáng sản vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đất sét, đất san lấp

Xác định việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự phát triển ổn định và bền vững, trong quá trình xem xét cấp phép Quảng Nam luôn ưu tiên các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có nhà máy trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, ít hoặc không tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường; gắn việc khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Công tác thu thuế được thực hiện trên cơ sở tài nguyên và giá trị tài nguyên của mỗi mỏ cụ thể để buộc doanh nghiệp tự chủ, tự cân đối thu tối đa nguồn tài nguyên nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương và phát triển bền vững.

Nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Phân bổ, điều tiết kịp thời các khoản thu từ hoạt động khoáng sản, đảm bảo tỷ lệ theo quy định cho địa phương nơi có khoáng sản để thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định 

Theo ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, địa phương có tiềm năng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất sét, đất san lấp, đá. Nguồn tài nguyên khoáng sản đã góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi.

Điển hình khu vực mỏ cát trắng Hương An với diện tích 157ha hầu hết canh tác sản xuất nông nghiệp không hiệu quả do bề dày cát trắng từ 3 – 5m, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác từ năm 1995 (thời hạn đến năm 2025) doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động phổ thông, trong đó có 80 lao động là người địa phương thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình tiến hành khai thác (theo hình thức cuốn chiếu) doanh nghiệp hoàn thổ lại đất san lấp và tạo hệ thống dẫn nước, tiêu nước và bàn giao lại đất cho theo vùng, thửa lớn để nhân dân tiếp tục sản xuất.

Để tiếp tục khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới địa phương tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản cũng như việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chú trọng hoạt động giám sát các doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Đồng thời, quy định và giám sát các doanh nghiệp khai thác phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác, chế biến khoáng sản và các dịch vụ có liên quan. Cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tham mưu UBND tỉnh điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương (nơi có khoáng sản được khai thác) phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo baotainguyenmoitruong.vn