Nông nghiệp sạch

Quảng Ninh phát triển bền vững kinh tế thủy sản

Thứ năm, 11/7/2024 | 16:03 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa họp bàn về công tác triển khai xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo sơ lược quá trình xây dựng Đề án; bố cục và các nội dung chính của Đề án; đánh giá về hiệu quả dự kiến của Đề án. Theo tính toán, đến năm 2030, giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt 32.170 tỷ đồng (bình quân tăng 12%/năm); tỷ trọng thủy sản của tỉnh đạt từ 1,9 - 2% GRDP, chiếm trên 50% GRDP trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 250 - 260 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động.

Đề án được triển khai có hiệu quả sẽ góp phần chấm dứt khai thác bất hợp pháp, tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển.

Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh

Đại diện các Sở, ngành đã góp ý, phản biện và đề nghị Sở NN&PTNT quan tâm, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Đề án gồm: rà soát lại diện tích nuôi trồng thủy sản qua từng năm; xác định lại các trụ cột chính trong ngành kinh tế thủy sản; quan tâm đến giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị ha so với các địa phương khác trong cả nước; các chỉ tiêu đặt ra trong Đề án phải có dẫn nguồn cụ thể; làm rõ những công nghệ cao trong phát triển thủy sản; tính khả thi trong phân kỳ đầu tư…

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường khẳng định, Đề án đánh giá cơ bản điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế thủy sản và đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện toàn diện, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để sớm hoàn thiện Đề án, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Sở NN&PTNT có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin của Đề án; trong phần đánh giá thực trạng phải thật sự sâu sắc, phải định vị được vị trí kinh tế thủy sản của tỉnh Quảng Ninh hiện nay so với các tỉnh, thành trong cả nước; tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế, thách thức, trên cơ sở đó nêu rõ nhiệm vụ, khâu đột phá Quảng Ninh cần thực hiện để phát triển nhanh, bền vững kinh tế thủy sản. Việc đưa mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế thủy sản vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương phải phù hợp với tình hình thực tiễn, cơ chế, chính sách và kiểm đếm được; các giải pháp phải đảm bảo tính khả thi. Phải làm rõ quy mô, cơ cấu và giải pháp huy động nguồn lực; nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách để đưa vào Đề án; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong triển khai Đề án.

Lâm Bảo (T/H)