Nông nghiệp sạch

Phối hợp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thứ ba, 9/7/2024 | 11:43 GMT+7
Ngày 8/7, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp; lan tỏa thông điệp của Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn; định hướng ngành hàng nông nghiệp chủ lực và thị trường cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tìm hiểu các khó khăn, thuận lợi từ đó kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng, thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn như bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường; giảm thiểu tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại chính sách

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thúc đẩy ứng dụng, triển khai nông nghiệp tuần hoàn được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.

Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái sử dụng và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Vì vậy, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể coi là một dạng nông nghiệp sinh thái.

Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi chia sẻ, thúc đẩy việc thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, tại chế nguyên liệu, protein, năng lượng, chất dinh dưỡng; đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu.

Bà Ramla Khalidi cũng giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC - Kinh tế tuần hoàn (NDC-CE). Bộ công cụ được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu NDC 2025.

Đại diện UNDP còn thông tin về một số nghiên cứu sắp tới liên quan đến chuỗi giá trị cà phê, lúa gạo để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông-thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Cuối hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự tham gia và góp ý của cộng đồng quốc tế, các cơ quan về chia sẻ trách nhiệm, đề xuất kiến nghị nhằm tăng cường triển khai nông nghiệp tuần hoàn. Từ đó, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh; phát triển bền vững không đánh đổi vì lợi ích kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế bền bảo sức đảm khỏe môi trường sinh thái lành mạnh cho thế hệ mai sau.

Khánh An (T/H)