Nông nghiệp sạch

Bình Định phát triển trồng rừng gỗ lớn bền vững

Thứ hai, 8/7/2024 | 11:21 GMT+7
Tỉnh Bình Định tích cực khuyến khích người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn với việc hỗ trợ bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Theo đề án Phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, UBND tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 10.000ha rừng trồng gỗ lớn tập trung; đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn sẽ tăng đến 50.000ha. Tỉnh cũng phấn đấu thực hiện lộ trình trồng rừng gỗ lớn để vừa tăng giá trị cho gỗ rừng trồng vừa để ngành chế biến gỗ xuất khẩu bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập

Hiện Bình Định có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Mỗi năm, ngành gỗ Bình Định cần đến 1,2 triệu m3 gỗ tròn nguyên liệu, trong đó gần 80% là nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, số còn lại là gỗ rừng trồng. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, hộ dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn tại Bình Định được hỗ trợ bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ FSC, hỗ trợ thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng… nhằm thực hiện hiệu quả đề án.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư liên kết trồng rừng bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định còn trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Bình Định phát triển trồng rừng gỗ lớn

Bình Định hiện là một trong những tỉnh có số lượng lớn nhà máy chế biến gỗ, tập trung ở các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực dồi dào, công nhân có tay nghề bậc cao nên sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác như dăm mảnh, viên nén tại đây ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng. Với thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu, Anh, Australia, Nhật Bản… cùng một số nhóm hàng có giá trị kim ngạch lớn, ngành gỗ Bình Định ngày càng khẳng định được vị thế, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Từ lợi thế đó, tỉnh Bình Định tích cực vận động, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận, áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện quy trình quản lý chuỗi hành trình FSC-CoC, chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFTN). Do vậy, việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Xác định trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang thí điểm xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh, thu hoạch gỗ lớn nhằm chuyển giao các dòng keo lai cấy mô giống mới AH1, AH7 và BV75 vừa được công nhận vào sản xuất.

Rừng trồng gỗ lớn có chu kỳ từ 10 - 14 năm, đường kính cây khi khai thác đạt khoảng 20cm trở lên, sản lượng gỗ đạt từ 180 - 220m3/ha. Rừng gỗ lớn có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến gỗ xuất khẩu có giá từ 1,6 - 2,4 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân tăng đến 20 triệu đồng/ha/năm.

Lam An (T/H)