Nông nghiệp sạch

Hà Nội phát triển kinh tế làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn văn hóa

Thứ sáu, 5/7/2024 | 15:34 GMT+7
Ngày 5/7, Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhằm góp phần định hướng phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ giá trị văn hóa làng nghề.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các làng nghề truyền thống trên địa bàn đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề”, với tổng số làng nghề chiếm 56% cả nước. Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận. Do đó, việc bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa, nông nghiệp nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho người dân là hướng đi quan trọng của thành phố. Bảo tồn, phát triển làng nghề không chỉ là bảo vệ không gian văn hóa mà còn là sự kết hợp linh hoạt với chính sách phát triển nông thôn mới.

Doanh thu của các làng nghề Hà Nội ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của các làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ giá trị văn hóa làng nghề

Tại hội nghị, các đại biểu đã tiếp nhận, tổng hợp và giải quyết câu hỏi của 3 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến phát triển làng nghề tại Hà Nội gồm: quy hoạch, hạ tầng, du lịch, môi trường làng nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, hiện địa phương đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi, là cơ hội để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố nhằm thúc đẩy bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững. Thành phố cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại với hệ giá trị cốt lõi.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố có những định hướng mới, điều chỉnh về phạm vi phát triển đô thị và nông thôn, trọng tâm là bảo tồn di sản, làng nghề, làng truyền thống, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, giá trị kinh tế, gắn với du lịch, dịch vụ thương mại. 

Bên cạnh đó, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề thành nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề hình thành không gian du lịch văn hóa kỹ nghệ nghề truyền thống. Hình thành trung tâm giới thiệu và triển lãm các sản phẩm thủ công kỹ nghệ nghề thủ công truyền thống mang tầm quốc tế. Phân định rõ không gian khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, giữ quỹ đất sạch dự phòng cho phát triển trong tương lai. 

Phát triển công nghiệp làng nghề truyền thống, hình thành sản phẩm văn hóa kỹ nghệ, hình thành không gian giới thiệu sản phẩm nghề thủ công kỹ nghệ gắn với văn hóa truyền thống có tính chất thu hút du lịch và cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển không gian nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp theo mô hình làng nông nghiệp đô thị; hình thành mô hình “làng trong phố”, mô hình làng truyền thống Bắc Bộ, mô hình không gian văn hóa làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống…

Gia Bảo (T/H)