Nông nghiệp sạch

Tăng cường quản lý chuỗi giá trị chanh dây sạch bệnh, bền vững

Thứ năm, 4/7/2024 | 14:38 GMT+7
Mới đây, tại Gia Lai, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Công nghệ thực phẩm và phân bón châu Á - Thái Bình Dương (FFTC-ASPAC) tổ chức hội thảo quốc tế “Tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị chanh dây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương’’.

Theo Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Bích Ngọc, một số địa phương như Gia Lai, Nghệ An, Đắk Lắk đã quan tâm công tác bình tuyển, công nhận vườn cây đầu dòng chanh dây. Tại Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã công nhận 14 vườn chanh dây đầu dòng, đồng thời hình thành hệ thống sản xuất giống chanh dây 3 cấp trong nhà lưới tiên tiến, sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống/năm.

Những năm gần đây, do nhu cầu cao của thị trường nước ngoài đối với trái cây tươi nguyên quả và các sản phẩm nước uống chế biến sẵn, chanh dây Việt Nam có triển vọng xuất khẩu cao với 80% sản lượng dành cho thị trường quốc tế với kim ngạch tăng trưởng ổn định.

Sản xuất chanh dây tại Gia Lai

So với một số nước sản xuất chanh dây lớn trên thế giới, Việt Nam có lợi thế sản xuất chanh quanh năm. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh dây cả nước.

Mặc dù vậy, bệnh virus vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất chanh dây bền vững. Do đó, cần trồng mới chanh dây bằng cây giống sạch bệnh; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp để chống tái nhiễm bệnh virus, giảm nguồn bệnh bằng cách vệ sinh đồng ruộng, điều tra loại bỏ sớm cây bị nhiễm bệnh, quản lý môi giới truyền bệnh từ khi mới trồng…

Theo ông Nguyễn Văn Viết, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Nafoods, để quản lý chất lượng chanh dây nhằm nâng cao chuỗi giá trị, những năm qua, doanh nghiệp đã tập trung nghiên cứu sản xuất các giống chanh dây sạch bệnh virus, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó đã chuyển giao công nghệ cho người dân về kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh, thu hái, bảo quản sau thu hoạch… để hướng đến phát triển bền vững.

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận chính. Trong phiên thứ nhất, các chuyên gia cùng trao đổi về chủ đề "Tiềm năng sản xuất chanh dây ở châu Á", nêu rõ thách thức và giải pháp về quản lý dịch hại trong sản xuất chanh dây dựa trên kinh nghiệm và các báo cáo của đại diện Việt Nam; trình bày dự án mẫu của về chuỗi cung ứng chanh dây phục vụ xuất khẩu.

Tại phiên thứ hai với chủ đề “Sản xuất cây giống chanh dây sạch bệnh và quản lý, kiểm soát sâu bệnh hại”, các chuyên gia bàn luận đến thực trạng, thách thức cho vườn chanh leo tại Malaysia; ứng dụng kỹ thuật vi ghép in vitro tiên tiến để kiểm soát virus trên cây chanh dây trong thực tế và kết quả đạt được.

Khả Như (T/H)