Lễ hội thu hút hơn 1.000 sản phẩm nông sản chất lượng cao thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao, sản phẩm VietGAP, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm có tiêu chuẩn HACCP, ISO, hàng Việt Nam chất lượng cao…
Những nông sản được trưng bày, giới thiệu tại lễ hội là những sản phẩm tiêu biểu đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước như: Cần Thơ, Quảng Nam, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Ninh Thuận, Long An, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An...
Các sản phẩm nông sản - đặc sản được sản xuất và tiêu thụ trong một “môi trường xanh” đảm bảo chất lượng và an toàn, qua đó giúp tăng cường niềm tin cho khách hàng – người tiêu dùng và góp phần tạo ra giá trị cho nền kinh tế nói chung.
Nông đặc sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại cây trồng, động vật, thủy hải sản các địa phương, các vùng miền trên khắp cả nước. Việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực giúp đưa các sản phẩm này vào chuỗi cung ứng thực phẩm, giúp nông dân và người làm công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được hưởng lợi kinh tế. Đặc biệt, việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực còn giúp phát triển ngành du lịch, tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Nông sản đặc sản vùng miền 2023
Bên cạnh việc giới thiệu và quảng bá văn hóa, ẩm thực các vùng miền, người tiêu dùng không chỉ mua với chính sách giá đặc biệt mà còn có thể được nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề để làm ra những sản phẩm tươi ngon, an lành, chất lượng cao.
Bao gồm: trải nghiệm làng nghề dệt truyền thống, dệt lụa của dân tộc Thái, trải nghiệm nấu các loại xà phòng từ thảo dược, làm cao, tinh dầu thiên nhiên ở các vùng núi phía Bắc như Nghệ An, Hà Nội, miền Tây đồng bằng sông Cửu Long; đêm nhạc kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn...
Bên cạnh đó, lễ hội còn có khu trải nghiệm hướng dẫn làm các loại chè, bánh dân gian, món ăn đặc trưng vùng miền địa phương… do các đầu bếp của Trung tâm Bảo tồn văn hóa ẩm thực, câu lạc bộ Đầu bếp chiếc thìa vàng đảm nhiệm...
Ban tổ chức cho biết, thông qua chuỗi hoạt động, lễ hội được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các loại nông sản tiêu biểu vùng miền, cũng như thúc đẩy thương mại, đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.