Sớm hoàn thiện chính sách để quản lý chặt chẽ phế liệu nhựa nhập khẩu

Thứ sáu, 26/1/2024 | 15:17 GMT+7
Việc nhập khẩu rác thải nhựa gây ra nhiều hậu quả xấu như tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý.

Tại Hà Nội, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam vừa phối hợp với trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm “Phế liệu nhựa nhập khẩu”. Theo thông tin tại tọa đàm, những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc nhập khẩu rác thải nhựa. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn còn lớn và ngày càng tăng cao. 

Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý. Đặc biệt, một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu chứa các thành phần không rõ nguồn gốc, lẫn nhiều tạp chất, sẽ làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý một cách hiệu quả.

Các chuyên gia tọa đàm về chủ đề “Phế liệu nhựa nhập khẩu"

Phát biểu tại tọa đàm, bà Quách Thị Xuân, Trưởng đại diện tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) nhấn mạnh, việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng sẽ tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính hơn trong quá trình tái chế.

Việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa có chứa hóa chất độc hại, đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình tái chế và xử lý để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Thông thường, chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, các cơ quan chức năng đã thắt chặt quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu so với trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này cần sự chung tay của toàn xã hội, không chỉ giải quyết ô nhiễm ở cuối đường ống nước thải mà phải giải quyết được từ nơi phát sinh nguồn thải. Hiện có nhiều loại nhựa không thể tái chế được ngay vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ từ khi nhập khẩu, tái chế cho đến quá trình thải bỏ.

Theo đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong tương lai, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện chính sách, quản lý chặt chẽ phế liệu nhập khẩu; nghiên cứu đổi mới chuyển giao công nghệ tái chế, xử lý chất thải, phế liệu nhựa ngay tại nguồn để đảm bảo an toàn nhất. Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo dòng phế liệu đi đúng đường, đến các nơi được phép tái chế, đủ năng lực tái chế; thu hút nguồn lực, kinh nghiệm từ nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý dòng đời chất thải nhựa tốt hơn…

Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa có thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng việc này cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có cách tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong việc nhập khẩu, tái chế phế liệu nhựa; đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này. Thời gian tới, cần có cơ chế để việc nhập khẩu phế liệu nhựa giảm dần, thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước, tạo bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về vấn đề tái chế phế liệu nhựa, từ đó khuyến khích hành động bền vững để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Minh Khang (T/H)