Tiết kiệm điện năng

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Giải pháp rẻ nhất giúp tăng nguồn cung cho hệ thống năng lượng

Thứ bảy, 17/9/2022 | 16:00 GMT+7
Đây là vấn đề được nhận định tại “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022” với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội.

Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Hà Nội), kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.

Cụ thể, Diễn đàn đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, chủ đề về công nghệ - năng lượng được đưa ra rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng kế hoạch đảm bảo hai mục tiêu lớn, một là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó Việt Nam cũng tiếp tục với mục tiêu lớn hơn mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cũng trong chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Thông qua diễn đàn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận và chia sẻ chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26. Cùng với đó, các nhà khoa học, công nghệ trong và ngoài nước cũng sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra 2 phiên, trong đó, phiên 1 có chủ đề “Chính sách và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”.

Dưới sự điều phối của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý Nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận và chia sẻ chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Phiên 1 có sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Đại sứ quán các nước…

Phiên 2 có chủ đề “Giải pháp công nghệ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, do PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản điều phối.

Tại phiên này, đại diện trường đại học, viện nghiên trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tập trung giới thiệu các xu hướng công nghệ mới.

Theo ban tổ chức, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 đã nêu, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trên thế giới, các cuộc xung đột chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những tác động của hiện tượng ấm lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

Trong bối cảnh nói trên, giải pháp thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng cần đặt lên hàng đầu.

PV