Sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên cát

Chủ nhật, 8/5/2022 | 11:09 GMT+7
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) khẳng định, cát phải được công nhận là tài nguyên chiến lược, có vai trò quan trọng đối với môi trường, theo đó cần sử dụng và quản lý một cách hợp lý.

Báo cáo “Cát và tính bền vững: 10 chiến lược để ngăn chặn khủng hoảng cát” của UNEP nêu rõ, cát đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong việc cung cấp các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế cũng như cung cấp sinh kế cho cộng đồng và duy trì đa dạng sinh học.

Cát là tài nguyên được sử dụng nhiều thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau nước. Thế giới sử dụng 50 tỷ tấn cát và sỏi mỗi năm, đủ để xây một bức tường rộng 27m và cao 27m quanh trái đất.

Là một nguyên liệu cần thiết để sản xuất bê tông, xây dựng cơ sở hạ tầng, cát rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Đồng thời, cát cũng cung cấp môi trường sống cho động, thực vật và hỗ trợ đa dạng sinh học.

Cát là tài nguyên được sử dụng nhiều trên toàn cầu, chỉ sau nước

Mặc dù cát có vai trò quan trọng mang tính chiến lược, nhưng việc khai thác, tìm nguồn cung ứng, sử dụng và quản lý tài nguyên này vẫn chưa được quan tâm ở nhiều khu vực trên thế giới, dẫn đến nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.

Báo cáo của UNEP đã chỉ rõ sự phụ thuộc của con người vào cát do đó cát phải được công nhận là một nguồn tài nguyên chiến lược và việc khai thác, sử dụng tài nguyên này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ông Pascal Peduzzi, Giám đốc GRID-Geneva tại UNEP nhấn mạnh, nguồn tài nguyên cát trên trái đất là hữu hạn nên chúng ta cần sử dụng cát một cách khôn ngoan. Nếu biết cách quản lý cát, chúng ta có thể ngăn chặn khủng hoảng cát và tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, báo cáo của UNEP đã đưa ra hướng dẫn cho các phương pháp cải tiến để khai thác và quản lý tài nguyên cát. Cụ thể, phải công nhận cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là nguồn tài nguyên chiến lược có vai trò to lớn đối với môi trường; cần có cấu trúc thể chế và luật pháp mới trong việc quản lý cát; nên định giá lại cát theo giá trị xã hội và môi trường thực sự để nâng cao giá trị của cát; cần xây dựng một tiêu chuẩn quốc tế về cách khai thác cát từ biển; cấm khai thác cát bừa bãi từ các bãi biển…

Bên cạnh đó, việc giữ cát trên các bờ biển có thể là chiến lược hiệu quả nhất về chi phí để đối phó với khí hậu, khi mà các cơn bão và nước biển đang gia tăng dữ dội.

Ngoài ra, cần cấm chôn lấp chất thải từ khai thác khoáng sản và khuyến khích tái sử dụng cát để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, công bằng.

Mộc Trà