TP.HCM: 20 mẫu nước giếng đều không đạt chuẩn

Thứ hai, 22/11/2021 | 22:45 GMT+7
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã lấy mẫu nước ở giếng khơi của các hộ gia đình tại quận 8, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, TP Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn để xét nghiệm. Tuy nhiên, 20 mẫu nước được lấy đều không đảm bảo chất lượng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, những mẫu nước giếng đều nhiễm E.Coli và Coliform tổng

Theo đó, chất lượng nước giám sát đánh giá theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1: 2018.

Bao gồm: pH: 6,0 - 8,5; Coliform tổng số < 3CFU/100mL; clo dư: 0,2 - 1,0 mg/l; E.Coli < 1CFU/100mL.

Trong đó, Coliform là các vi khuẩn có thể sinh sống trong đất, nước và cả hệ tiêu hóa của con người. Chỉ số Coliform là một đánh giá về độ tinh khiết của nước dựa trên số lượng vi khuẩn tồn tại trong phân.

Các vi khuẩn này có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa như tiêu chảy, mất nước dẫn tới suy thận, thậm chí là tử vong.

Còn clo được dùng để xử lý, khử trùng nước, phòng tránh bệnh tật gây ra từ nguồn nước. Nước được clo khử trùng đủ sẽ có tác dụng ngăn vi khuẩn tái nhiễm trong quá trình phân phối, vận chuyển, trữ nước tại nhà trong trường hợp đường ống bị rò rỉ.

HCDC khuyến cáo, đối với khu vực sử dụng nguồn nước sạch tạm thời (các bồn chứa nước công cộng), người dân cần đun sôi nguồn nước này trước khi uống; bảo quản nước đun sôi trong vật chứa sạch, kín.

Đối với khu vực đã được cung cấp nước sạch, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch. Nguồn nước qua bồn chứa cần được đun sôi trước khi uống, súc xả định kỳ bồn chứa nước, đậy kín bồn chứa.

Người dân ở những khu vực đã có nước sạch được khuyến khích không khai thác ngầm, trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.

Ý An