Quảng Ngãi lên kế hoạch, để bảo dưỡng các công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa

Thứ bảy, 13/11/2021 | 12:39 GMT+7
Trước tình hình công tác quản lý, vận hành, các công trình nước sinh hoạt còn lỏng lẻo, không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng kịp thời khi có hư hỏng nhỏ, dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch để bảo dưỡng các công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa.

Do tác động của nhiều yếu tố, vì vậy, hệ thống nước sạch ở một số địa phương vùng sâu vùng xa tại Quảng Ngãi còn chưa được đồng bộ tận dụng hiệu quả

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, công tác quản lý đầu tư sau xây dựng ở các công trình nước sạch còn buông lỏng, không có quy trình quản lý vận hành. Các địa phương đều thiếu cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư gần như không được thực hiện. Một phần cũng do thiếu kinh phí vì không thu được tiền nước của bà con nên không thể du tuy, bảo dưỡng khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước tập trung của một số hộ đồng bào DTTS chưa cao, dẫn đến tình trạng đường ống, van khóa thường xuyên hỏng, mất nước, công trình xuống cấp. Mặt khác, do ở xa các công trình hồ chứa nước lớn cho nên công trình cấp nước ở vùng sâu đều phải lấy nước đầu nguồn khe suối, mùa nắng nóng khe cạn thiếu nước đầu vào thì công trình cấp nước cũng không hoạt động được.

Xác định phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành chương trình hành động và đưa ra các giải pháp quy hoạch lại khu dân cư, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS và đầu tư xây dựng các trung tâm cụm, xã dọc tuyến biên giới. Ðến nay, 100% số xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã, có điện sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ dân được dùng nước sạch còn thấp và thiếu ổn định.

Để bảo đảm tính bền vững, an toàn sử dụng lâu dài đối với các công trình nước sạch vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ngãi cần có kế hoạch, đề án cụ thể với các biện pháp căn cơ và ưu tiên nguồn vốn phân bổ về huyện để bảo dưỡng các công trình cấp nước công suất lớn ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời giáo dục, tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức trong việc sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước để phát huy tác dụng lâu dài.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát các công trình cấp nước sinh hoạt kém hiệu quả, công trình nào có thể sửa chữa thì sẽ xin kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, cần củng cố xây dựng mỗi xã một đội nhằm quản lý tốt các công trình cấp nước này. Khi đã giao về địa phương rồi thì phải có trách nhiệm quản lý, duy tu thường xuyên và sửa chữa khi để xảy ra hư hỏng. Ngoài ra, cần thu một khoản phí nhỏ về tiền nước đối với đồng bào để bà con có trách nhiệm trong sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước” - ông Minh kiến nghị.

PV