Bộ TN&MT đặt mục tiêu thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000

Thứ năm, 4/11/2021 | 22:11 GMT+7
NLSVN - Thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 là mục tiêu nằm trong đề án "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam". Bên cạnh đó, Bộ tài nguyên và môi trường muốn xây dựng hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên nền tảng số.

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, hiện mới thực hiện điều tra cơ bản được 34,08% sông suối trên phạm vi toàn quốc 

Liên quan về tài nguyên nước dưới đất, đến nay, nước ta mới hoàn thành công tác thành lập bản đồ địa chất thủy văn toàn lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1985), biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc (năm 2018), các tỷ lệ điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn chi tiết hơn (ở tỷ lệ 1:100.000 đến 1:25.000) mới hoàn thành trên 26% diện tích toàn quốc và đang thực hiện trên các vùng lãnh thổ khác với khoảng 23% diện tích toàn quốc.

Các kết quả trên cần được kế thừa và thực hiện điều tra bổ sung, đồng bộ hóa dữ liệu tài nguyên nước dưới đất để lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Đảng và Nhà nước xác định là yêu cầu tất yếu khách quan, mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đòi hỏi lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung, tài nguyên nước nói riêng phải chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ số trong thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu nhằm giảm được chi phí và thời gian, đem lại sản phẩm thông tin, dữ liệu tin cậy, cập nhật, đáp ứng yêu cầu khai thác, chia sẻ trên các nền tảng số và phục vụ cho phát triển kinh tế số, Chính phủ số.

Do đó, yêu cầu lập bản đồ tài nguyên nước trên toàn quốc phải đảm bảo áp dụng chuyển đổi số, đồng bộ về thông tin, số liệu; bao quát thống nhất về phạm vi phân chia các nguồn nước trên các vùng lãnh thổ và phản ánh đúng hiện trạng nguồn nước trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, thiết lập được hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ quy hoạch, quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước.

Từ thực trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước, lập bản đồ tài nguyên nước với phạm vi đã được điều tra còn hạn chế, số liệu điều tra cũ đã quá lâu chưa được cập nhật đã nêu, đặc biệt là trước yêu cầu quản lý trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, dữ liệu hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý, khó có khả năng cung cấp thông tin bao quát, toàn diện cho Chính phủ số trước các thách thức ngày càng tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, khai thác nước ở thượng nguồn và khai thác, sử dụng thiếu bền vững đối với tài nguyên nước của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT nhận thấy việc thực hiện Đề án là rất cần thiết và cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

PV