Sức khỏe

TP.HCM: Ca Covid19 cộng đồng tăng có thể do lây nhiễm khi tiêm chủng

Thứ ba, 17/8/2021 | 09:01 GMT+7
NLSVN - Chiều 16/8, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì họp trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức về triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ. Cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết cứ 24 giờ trôi qua, thành phố trung bình có 240 người tử vong do Covid-19, có hàng trăm người bệnh nặng phải thở ô xy, hàng ngàn ca nặng phải hồi sức và hàng ngàn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do, như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao.

Bí Thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên

TP.HCM phải tổ chức, phối hợp, hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê với điều kiện đã chuẩn bị như tiêm vắc xin, xe đưa đón, phối hợp với địa phương về quê an toàn, không đưa người nhiễm về rồi gây thêm khó khăn cho địa phương. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn, không để tình hình này kéo dài.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá các quận huyện và TP.Thủ Đức đều có sự tự tin để triển khai kế hoạch cao điểm 30 ngày kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Nguyên nhân vì hơn 2 tháng chống dịch có kinh nghiệm, trưởng thành hơn, công việc làm ngày chắc chắn. Bên cạnh đó, bây giờ ngành y tế có thuốc, có vắc xin, có túi an sinh nên tự tin hơn, bởi trước đây từng có thời điểm lúng túng vì không có thuốc trị.

Bên cạnh đó, Thành phố đã chuẩn bị hệ thống điều trị, dù chưa đáp ứng được mong muốn nhưng cũng đỡ hơn trước; cần có trung tâm điều phối để các địa phương không phải gọi điện cho bí thư, chủ tịch gửi bệnh.

Thành phố có sự ủng hộ của toàn xã hội; người dân ủng hộ, các lực lượng trong ngoài nước hỗ trợ từ cái nhỏ đến cái lớn, từ khẩu trang, đồ bảo hộ, test, ô xy. Đây là chỗ dựa quan trọng để thành phố vượt qua.

Một điểm được Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao là các lực lượng tham gia chống dịch không còn e ngại bị nhiễm nữa, nhiều nơi chuẩn bị nơi cho F0, F1 ở. Công tác lãnh đạo, điều hành thông suốt, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm nhuần nhuyễn hơn.

Trước các ý kiến của địa phương nêu khó khăn về lực lượng, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ đây là khó khăn chung, các địa phương phải huy động để đảm bảo lực lượng “chiến đấu”. “Chúng ta đang đi trong một cơn bão, muốn vượt qua nó thì phải vượt qua bằng sức của mình chứ không còn cách nào khác. Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình”, ông Nên nói và cho biết đây là thử thách lớn.

Hiện nay, giãn cách xã hội một số nơi chưa triệt để nên Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phải phát huy mô hình người dân tự quản, trong đó lực lượng chính trị cơ sở là nòng cốt, kết hợp với nâng cao ý thức tự giác của từng khu phố, con hẻm.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sắp tới Thành phố sẽ tái thực hiện xét nghiệm để tìm F0 trong cộng đồng. Theo ông, với việc ca mắc Covid19 cộng đồng liên tục tăng, TP cần nghĩ đến khả năng lây nhiễm khi tiêm chủng.

Một điểm tiên tại Phường An Phú, Tp.Thủ Đức chưa thực hiện đúng giãn cách

Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục nâng cao công tác xét nghiệm, sẵn sàng các biện pháp ứng phó, quản lý khi ghi nhận ca F0 trong cộng đồng; đồng thời nâng cao chất lượng điều trị, có trung tâm điều phối, không để xảy ra tình huống người dân “có bệnh mà không có nơi đến, không được cứu chữa”.

Về vắc xin Covid-19, hiện thành phố đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn, hiện nay có nguồn nào dùng nguồn đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị chủ động báo với bà con các loại vắc xin đủ điều kiện sử dụng thì tiêm chứ không nên chờ đợi, tập trung đẩy nhanh tiến độ “càng nhanh càng tốt”.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh thành công phụ thuộc rất lớn vào việc giãn cách giữa người với người, nhà với nhà. Kiểm soát được giãn cách là tiền đề để cắt đứt nguồn lây nhiễm.

Vì thế các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tại địa phương, đơn vị, khu dân cư, từng hộ dân, từng hộ dân... một cách cụ thể, sinh động, thuyết phục; giúp người dân nắm rõ tình hình, nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tạo sự đồng thuận thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong

Ông Phong đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức phải thực hiện nghiêm tinh thần "ai ở đâu ở đó". Tuyệt đối không để xảy ra giãn cách xã hội theo hình thức, hoặc ngoài chặt, trong lỏng, nhất là tại các khu phong tỏa.

Người đứng đầu UBND TP đề nghị Công an TP chỉ đạo công an địa phương tham mưu các cấp ủy chính quyền làm thật tốt trong tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ chống dịch.

Ông đề nghị Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Sở Giao thông vận tải đo lường mức độ di chuyển của người dân phân theo các quận huyện và TP Thủ Đức, báo cáo hàng ngày đến UBND TP cũng như các địa phương khác để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các quận, huyện và TP Thủ Đức phải kiên quyết thực hiện kế hoạch từng ngày, tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh từ nay đến 15-9. "Chúng ta cần tinh thần quyết liệt, hết sức cụ thể và đồng bộ. Tôi tin rằng sẽ kiểm soát được dịch" - ông Phong nhấn mạnh.

Về công tác điều trị, ông Phong đề nghị Sở Y tế TP tổ chức cuộc họp giao ban mỗi ngày. Cần cấp thuốc kịp thời cho người bệnh để giảm tỉ lệ tử vong, không để xảy ra trường hợp chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.

Để làm được điều này, ông Phong đề nghị các địa phương lưu ý cung cấp F0 và gia đình F0 danh sách số điện thoại tổ phản ứng nhanh và các bác sĩ tư vấn trực tuyến, phân công tổ phản ứng nhanh theo dõi từng nhóm gia đình, kết nối thường xuyên giữa tổ phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe của F0.

Đối với F0 điều trị tại nhà, cần phải có túi thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với F0 hoàn cảnh khó khăn thì phải chuẩn bị gói an sinh (lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm...), F0 có đủ điều kiện kinh tế thì giúp họ mua thực phẩm.

Sở Y tế cũng cần khẩn trương phối hợp tổ chuyên gia điều trị và trung tâm điều phối đầu tư của hệ thống điều trị rà soát tất cả các cơ sở tiếp nhận, điều trị trên địa bàn.

Ông Phong lưu ý, "chìa khóa" để kiểm soát dịch vẫn là vắc xin, vì thế đảm bảo tỉ lệ bao phủ vắc xin mang tính chất quyết định trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19. Ông đề nghị các quận, huyện nào còn tiêm chậm cần khẩn trương tăng tốc tiêm.

Xuân Có