Sức khỏe

Giải pháp bổ sung dưỡng chất toàn diện cho sức khoẻ người Việt của Tảo Việt AlgaeVi

Thứ bảy, 14/8/2021 | 22:18 GMT+7
NLSVN - “Thành công và hạnh phúc chỉ thật sự trọn vẹn khi chúng ta có một nền tảng sức khỏe tốt”, đó là những mong muốn mà Tảo Việt AlgaeVi kiến tạo hành trình “chăm sóc sức khoẻ” cộng đồng. Đến nay, các sản phẩm của AlagaeVi đã được đưa ra thị trường, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng.

Xuất phát từ dự án khởi nghiệp với “siêu thực phẩm xanh”

Từ lâu, tảo xoắn Spirulina đã được mệnh danh là “siêu thực phẩm xanh” nhờ có hàm lượng dưỡng chất cao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong thành phần của tảo xoắn Spirulina có chứa hàm lượng protein, vitamin và khoáng chất rất cao, giàu chất dinh dưỡng, chống oxy hóa, giúp nâng cao hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ. 

Dự án nghiên cứu tảo xoắn Spirulina của nhóm sinh viên Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Tại Việt Nam, mặc dù nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ tảo xoắn của người dân ngày càng tăng, song lại thiếu nguồn cung do hạn chế về nguồn giống, công nghệ sản xuất và chế biến còn đơn giản. Tận dụng thế mạnh về nghiên cứu khoa học, thầy trò Tiến sỹ Trịnh Đăng Mậu và các sinh viên (nhóm AlgaeVi) của Khoa Sinh học – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã bắt tay vào nghiên cứu mô hình nuôi trồng tảo xoắn Spirulina đạt hiệu quả cao và tên gọi Tảo Việt AlgaeVi cũng được ra đời từ đây. 

Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, dự án nuôi trồng và sản xuất tảo xoắn Spirulina của nhóm AlgaeVi đã thành công trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, làm chủ nguồn giống – thực hiện tốt quy trình sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Hoàn thiện mô hình nuôi trồng và sản xuất tảo xoắn toàn diện

Tảo xoắn Spirulina là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, sinh trưởng tự nhiên trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Loại tảo này có thể sống ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt khi được nuôi cấy đạt chuẩn. Hiện nay, loại tảo xoắn này chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, để hoàn thiện một quy trình nuôi cấy và sản xuất tảo xoắn đòi hỏi công nghệ phức tạp và chi phí đầu tư lớn, nhất là làm thế nào để sản xuất được tảo xoắn trong điều kiện nhân tạo theo quy mô công nghiệp nhằm tạo ra được lượng lớn sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng và giá cả hợp lý. 

          Nhóm AlgaeVi đã bắt tay vào giải quyết khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng nhất, đó là đưa ứng dụng sinh học phân tử để chọn lọc và thuần hóa giống, giúp giống tảo thích nghi tốt nhất. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng công nghệ nuôi trồng và mô hình sản xuất tảo phù hợp nhất. 

Tảo Việt AlgaeVi tự hào là sản phẩm “Make in Vietnam”.

Do tảo xoắn rất dễ bị sốc và chết khi thay đổi đột ngột môi trường sống, nên bắt buộc phải cấy và thực hiện đảm bảo nuôi thích nghi tảo giống trước. Nhóm nghiên cứu đã quyết định sử dụng hệ thống túi nuôi tảo có gắn với các thiết bị cảm biến giúp quan trắc tự động chất lượng môi trường, kiểm soát được điều kiện nuôi tảo theo thời gian thực. Nhóm đã xây dựng thành công quy trình nuôi cấy và sản xuất sạch, khép kín với mức chi phí chỉ khoảng 20 - 25% so với công nghệ bể nuôi nhưng tốc độ sinh trưởng lại cao gấp đôi.

Anh Lê Văn Kiêm, cựu sinh viên Khoa Sinh - Môi trường, đại diện nhóm chia sẻ: “Để đảm bảo môi trường khép kín, ít có sự tác động của con người nhất có thể, nhóm đã tự thiết kế, hệ thống nuôi tảo khép kín, tự động và chế tạo máy đo tốc độ sinh trưởng tảo xoắn tự động, máy thu và rửa tảo phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất... Đây chính là phần khó nhất trong dự án, bởi trên thị trường gần như chưa có những loại máy này nên nhóm phải tự nghiên cứu nhu cầu thực tế, lên bản vẽ, sản xuất và lắp đặt. Sau vài lần thử nghiệm, đến nay, quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến tảo đã vận hành khá ổn”.

“Tấm lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho gia đình

Không chỉ làm chủ được quy trình nhân giống, nuôi giống và tuyển chọn được giống tảo xoắn, nhóm AlgaeVi còn nghiên cứu và hoàn thiện dây chuyền sản xuất và chế biến tảo với nhiều dòng sản phẩm như: bột tảo, cốm tảo, bánh quy tảo, trà tảo... Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác dưới dạng: viên nang, viên nén, viên nhộng tảo phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng từ trẻ nhỏ, người lớn cho đến người già đều có thể sử dụng. 

Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng dinh dưỡng đa dạng có trong tảo xoắn Spirulina hỗ trợ rất tốt trong quá trình chống oxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh lý khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công nhận tảo xoắn Spirulina thực phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho loài người trong thế kỷ XXI.

          Nhận thấy giá trị dinh dưỡng cao do tảo xoắn mang lại, thầy Trịnh Đăng Mậu và các bạn sinh viên đã quyết định mở rộng mô hình từ nghiên cứu lên sản xuất đại trà bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp trên cả nước. Thầy Mậu cho biết: “Chúng tôi chọn khởi nghiệp cùng tảo, đưa nguồn dinh dưỡng quý báu này vào bữa ăn của người Việt. Một buổi sáng mát trời, đột nhiên tôi ngồi suy nghĩ, đến bao giờ người Việt chúng ta mới biến rong tảo trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày như những nước phát triển đó nhỉ…”? 

Tảo xoắn Spirulina - “siêu thực phẩm xanh” có chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Năm 2018, những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên của nhóm đã được tham dự tại triển lãm thành tựu khoa học kỹ thuật của Đà Nẵng và đã được các chuyên gia đánh giá rất cao. Sau đó, nhóm đã chuyển giao công nghệ và hướng dẫn nuôi trồng tảo xoắn cho HTX nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường (Bình Sơn – Quảng Ngãi).  

Nhóm tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam - TechFest 2021 với hàng loạt sản phẩm Tảo Việt AlgaeVi đã thu hút rất đông khách tham gia nhờ sự đa dạng và quy trình nuôi cấy, sản xuất khép kín vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa giữ lại được vị ngọt và giảm mùi tanh của tảo.

Hiện dự án nghiên cứu nuôi cấy và sản xuất sản phẩm Tảo Việt AlgaeVi của nhóm đã chính thức được chọn tham gia tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với mục tiêu ươm tạo, trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ có dự án khởi nghiệp sáng tạo sản xuất tảo ứng dụng công nghệ cao. 

Founder là người có đóng góp lớn ở giai đoạn đầu nhưng giai đoạn sau chủ yếu đóng vai trò định hướng chiến lược cho dự án và hỗ trợ mỗi người để tận dụng tối đa điểm mạnh của từng cá nhân đẩy dự án về phía trước. Startup thành công quan trọng nhất là phải có một đội ngũ làm việc hiệu quả chứ không thể nào chỉ phụ thuộc vào một cá nhân. “Con đường của Tảo Việt AlgaeVi đến giờ đã rất rõ, vấn đề là mình đi được xa đến đâu. Chúng tôi hiện vẫn luôn tìm cách tăng tốc: tìm người giỏi, tìm đối tác cùng làm với mình, biến Tảo Việt AlgaeVi trở thành sản phẩm bổ sung toàn diện dinh dưỡng cho mọi người…” - thầy Trịnh Đăng Mậu đã hứng khởi nói về những câu chuyện khởi nghiệp đầy nhân văn với sinh viên của mình.

Nguyễn Thắng