TPHCM sử dụng AI để dự báo, ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 7/1/2022 | 11:08 GMT+7
Bên cạnh việc xây mới các công trình chống ngập, TPHCM còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác dự báo, ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, triều cường đã ngày càng gia tăng về tần suất và lượng nước trên các tuyến phố ở TPHCM, gây tình trạng ngập nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của nhiều người dân.

GS. TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, để chống ngập hiệu quả, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, thoát nước, ngăn triều, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, trong đó có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc vận hành, cảnh báo và giám sát ngập nước.

Ứng dụng AI trong cảnh báo và giám sát ngập nước

Với mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập thông qua camera, nhóm các chuyên gia tại Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh tại TPHCM.

Trong đó, nhóm hoàn thiện các mô hình dự báo, cảnh báo mưa và ngập theo mô hình điện toán về thủy văn, thủy lực kết hợp sử dụng AI trên cơ sở dữ liệu được trích xuất từ nhiều đơn vị khí tượng thủy văn. Đồng thời đưa vào vận hành thành công hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS và ứng dụng trên thiết bị di động.

Hiện nhóm nghiên cứu đã khảo sát, xây dựng hệ thống camera giám sát tại hàng chục điểm ngập thường xuyên tại đường Cây Trâm (quận Gò Vấp), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), đường Trần Ngọc Diện, Phạm Văn Đồng, Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức). 

TS. Phạm Thanh Long, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Từ dữ liệu qua camera quan sát, được phân tích bằng AI, hệ thống cảnh báo sẽ đưa các thông tin về điểm ngập phát sinh lên báo cáo, trang thông tin (website) để các cơ quan quản lý kịp thời khắc phục. Hệ thống cũng xây dựng kênh kết nối hai chiều về ngập (giữa các nhà quản lý với người dân) để có thể thông báo kịp thời các thông tin về ngập, sự cố về kẹt xe do ngập từ các đơn vị quản lý, cũng như nhận được những phản hồi nhanh chóng và chính xác về các đường, điểm ngập phát sinh từ cơ sở.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM Vũ Văn Điệp đánh giá, đề tài ứng dụng khoa học công nghệ trên vừa được nghiệm thu, đã giúp công tác xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho thành phố, đồng thời giúp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật có những chiến lược, chính sách để quản lý vấn đề ngập hiệu quả hơn trong thời gian tới.

"Chúng tôi sẽ cập nhật kết quả phân tích của mô hình dự báo trên vào ứng dụng UDI Maps cảnh báo cho người dân qua điện thoại thông minh, thông tin về những tuyến đường bị ngập nước để bà con chọn lựa lộ trình đi lại hoặc có biện pháp chủ động bảo vệ tài sản khi nước ngập", ông Vũ Văn Điệp nói.

Gia Bách (T/H)