Nông nghiệp sạch

TPHCM thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh

Thứ ba, 30/7/2024 | 14:40 GMT+7
Ngày 30/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM phối hợp tổ chức diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.

Thời gian qua, nước ta đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng những phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số điểm nghẽn trong nỗ lực hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh, phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Hoàng Quang Phòng, muốn tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc này cần nỗ lực từ nhiều phía gồm: doanh nghiệp, nhà đầu tư, người nông dân, nhà quản lý…

Quang cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, trong đó đề xuất một số giải pháp cụ thể như: để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu; đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép giá trị kinh tế, xã hội, môi trường…; cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Các doanh nghiệp và chuyên gia cũng kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, kết hợp với những bên hữu quan, liên quan không chỉ trong tạo chuỗi mà còn để mở rộng, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như: khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, nhân rộng sản phẩm OCOP trong phục vụ du lịch, làm thương hiệu nông sản xanh trong mọi khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…

Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Lê Minh Dũng chia sẻ, thành phố hiện đang triển khai những chương trình hỗ trợ tài chính đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh. Ví dụ, các chương trình hỗ trợ về chi phí mua sắm trang thiết bị công nghệ cao, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) với khoản vay không lãi suất hoặc có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thị trường; thời hạn vay kéo dài từ 3 - 10 năm tùy thuộc vào mô hình, loại hình dự án để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; giới thiệu nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận các hình thức hỗ trợ tài chính khác thông qua hoạt động đầu tư.

Về chính sách thúc đẩy hợp tác và liên kết, thành phố khuyến khích, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Liên kết giữa các hợp tác xã để chia sẻ máy móc, thiết bị và công nghệ mới, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân sự để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả sử dụng; giúp tăng cường sức mạnh đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường tiêu thụ.

Huyền Dung (T/H)