Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải hợp quy chuẩn trên địa bàn TPHCM

Thứ năm, 7/7/2022 | 14:53 GMT+7
TPHCM tiếp tục tăng tốc chuyển đổi phương thức thu gom rác, chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện, tái chế…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM Nguyễn Toàn Thắng.cho biết, hiện mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh trên 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tất cả đã được thu gom, xử lý an toàn. Mục tiêu đến năm 2025, 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.

Trước thông tin đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp, mức giá được quy định còn cào bằng, gây khó khăn cho đội ngũ thu gom rác, Sở TN&MT đã có hướng dẫn cho các địa phương, tùy theo đặc điểm lựa chọn hai cách để ký hợp đồng giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải.

Cụ thể, UBND phường, xã có thể ký hợp đồng trực tiếp với các chủ hộ, người phát sinh nguồn thải; hộ gia đình ký trực tiếp với người thu gom rác. Đối với phương án đơn giá thu gom, việc lựa chọn đơn giá, địa phương hoàn toàn quyết định phương thức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình.

Với loại rác cồng kềnh, UBND thành phố đã có hướng dẫn tới các công ty dịch vụ công ích các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Công ty Môi trường đô thị TPHCM là đơn vị chủ lực để xử lý vấn đề này. Theo đó, đơn giá và thời gian thu gom loại rác cồng kềnh này sẽ được quy định riêng.

Thu gom, xử lý an toàn rác thải sinh hoạt trên địa bàn TPHCM

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Sở TN&MT đã cho ra mắt ứng dụng điện tử quản lý phương tiện vận chuyển. Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua mạng internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải với cơ quan quản lý. Qua đây, cơ quan quản lý sẽ quản lý được đường đi và “vòng đời” của chất thải, từ đó hạn chế tình trạng chất thải được vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý thì ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Đáng chú ý, về vấn đề này, lãnh đạo HĐND thành phố đã đề nghị UBND TPHCM sớm quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo khoản 6 điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hỗ trợ các hợp tác xã môi trường điều chỉnh mẫu xe tự thiết kế để đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; hướng dẫn quy trình để được cấp phép mẫu xe phù hợp với thực tế và giá thành hợp lý; nghiên cứu thời gian lưu thông của các xe thu gom, vận chuyển linh hoạt hơn để thuận tiện cho công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn.

Lam An (T/H)