Năng lượng phát triển

Tăng cường kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng dầu

Thứ hai, 6/7/2020 | 09:42 GMT+7
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhằm tăng cường kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc biệt đối với Bộ Công Thương và QLTT, trong thời gian gần đây vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, chủ yếu ở 3 lĩnh vực về điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy phép, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống.

Từ khi thành lập tới nay (1 năm 8 tháng), lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.800 vụ việc, trung bình mỗi ngày 1,5 vụ bị xử lý, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại xăng dầu rất lớn, ngày nào cũng vi phạm.

Ông Linh cho rằng, hiện nay tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp, việc ký kết quy chế giúp cho 2 bên hỗ trợ thông tin bài bản hơn. Tập đoàn cung cấp thông tin, QLTT có điều kiện triển khai ngay. Khi quy chế này được ký, triển khai ở thời điểm đúng lúc, nhất là có những điều chỉnh kịp thời về chính sách xử phạt vi phạm hành chính.

Tổng cục Quản lý thị trường ký kết quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cho biết, từ năm 2019 đến nay lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý 673/1.825 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng. Tịch thu 32 cột đo xăng dầu (cột đôi), 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng, tịch thu gần 80.850 lít xăng các loại, buộc thương nhân đầu mối thu hồi để tái chế đối với xăng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Nhóm các hành vi vi phạm về chấp hành và duy trì các quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; các quy định về hệ thống phân phối; hóa đơn chứng từ nguồn gốc hàng hóa và đánh giá chất lượng xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam hiện nay, xăng dầu Petro có 2600 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc thuộc Petrolimex trên toàn quốc, được đầu tư và áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại, công tác tổ chức bán hàng văn minh, chuyên nghiệp; có quy trình quản lý số lượng, chất lượng nghiêm ngặt nên thương hiệu Petrolimex đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Năm 2019, Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance đánh giá Petrolimex nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Petrolimex chịu sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn và Gas. Sự gia tăng các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, các sản phẩm dầu nhờn, gas mới xuất hiện trên thị trường, Petrolimex không thể kiểm soát hết, các đối tượng có những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, tránh né sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Do đó, việc ký kết ngày hôm nay giữa hai đơn vị mang lại ý nghĩa to lớn, giúp lành mạnh hóa thịt trường xăng dầu và giúp nâng cao thương hiệu, đăc biệt, gần đây vấn đề vi phạm nhận diện thương hiệu nổi lên rất nhiều.

Với mục đích để thị trường kinh doanh nói chung và lĩnh vực ngành hàng xăng dầu nói riêng sẽ hoàn thiện, lành mạnh hơn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nâng cao nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tổng cục QLTT tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giúp Tổng cục QLTT có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trong nước. Nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các Cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.

Nam Thanh