Theo thông tin từ ban tổ chức, thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức Lễ công bố vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, Lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, ít bị hạn hán, lũ lụt. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... đã hình thành và phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp lớn, tuy nhiên việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, thách thức.
Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan) tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, thể hiện sự năng động, chuyên nghiệp và kinh nghiệm của mình để sớm hiện thực hóa các nội dung ký kết trong Bản ghi nhớ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có uy tín, tâm huyết và thực sự mong muốn đầu tư tại Tây Ninh tích cực mạnh dạn, chủ động xem Tây Ninh là điểm đến đầu tư tiềm năng, cùng hợp tác hướng đến sự phát triển bền vững.
Tại họp báo, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Đơn vị sẽ phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của OIE để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm. Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu.
Theo ông Trần Văn Chiến, năm 2024 đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu đạt an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Tây Ninh cũng đã xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.