Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Điều 13 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2023/ND-HĐND.
Cụ thể, trong năm 2024, thành phố dự kiến địa điểm thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng hỗ trợ là 28 cơ sở, với tổng kinh phí hỗ trợ: 3,657 tỷ đồng. Năm 2025 sẽ thực hiện hỗ trợ tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai với 49 cơ sở được hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 6,551 tỷ đồng.
Cấp ngân sách phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp xanh
Đối với chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng cho huyện Mỹ Đức, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến diện tích hỗ trợ 5.181ha, với kinh phí hỗ trợ: 6,217 tỷ đồng. Hỗ trợ mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các đại phương: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Đông Anh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai. Kinh phí hỗ trợ là khoảng 27,679 tỷ đồng.
Năm 2025, thành phố dự kiến thực hiện hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng tại Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, trên diện tích 10.634ha, kinh phí hỗ trợ: 15,520 tỷ đồng. Mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ cho huyện Mỹ Đức, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Phú Xuyên, Gia Lâm, với kinh phí: 19,594 tỷ đồng.
Việc bổ sung nguồn ngân sách thành phố cấp cho ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng, rơm rạ, xử lý môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định, đúng kỹ thuật, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, nâng cao hiệu quả xử lý môi trường và hạn chế dịch bệnh, cải thiện chất lượng môi trường trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc và sự phối hợp thực hiện đồng bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Phối hợp với các huyện, thị xã và ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp triển khai kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND thành phố Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.