Văn hóa, du lịch

Thanh Hóa chú trọng phát triển du lịch huyện Thọ Xuân

Thứ sáu, 30/9/2022 | 15:09 GMT+7
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3276/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển du lịch huyện Thọ Xuân đến năm 2030.

Đề án nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Thọ Xuân; phát triển mạnh du lịch văn hóa, tâm linh, gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch trải nghiệm. Hình thành hệ thống du lịch, đưa huyện Thọ Xuân trở thành trung tâm du lịch vùng trung du miền núi Thanh Hóa, gắn với lịch sử phát tích của hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê, nối với hệ thống du lịch của toàn tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, về khách du lịch, huyện phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 500.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 15%/năm, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế và 491.000 lượt khách nội địa. Đến năm 2030 đón khoảng 850.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó trên 37.000 lượt khách du lịch quốc tế và 813.000 lượt khách du lịch nội địa. Đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 252.150 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm, trong đó tổng thu từ khách du lịch nội địa là 244.900 triệu đồng, khách quốc tế đạt 7.250 triệu đồng. Đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch đạt 651.200 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm; tổng thu từ khách du lịch nội địa là 609.000 triệu đồng, khách quốc tế đạt 42.200 triệu đồng.

Phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh gắn với lịch sử tại huyện Thọ Xuân đến năm 2030

Về xã hội, đến năm 2025 toàn huyện phấn đấu có khoảng 2.040 người lao động tham gia vào du lịch; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lên 30%; 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm được bồi dưỡng về văn hóa du lịch. Đến năm 2030, toàn huyện có khoảng 5.100 lao động tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó có 1.600 lao động trực tiếp.

Về môi trường, đến năm 2025, 80% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 90% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định; đến năm 2030 có 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; 100% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra một số định hướng phát triển, bao gồm: định hướng phát triển sản phẩm và thị trường du lịch; tổ chức không gian phát triển du lịch; phát triển tuyến du lịch.

Trong đó, 4 sản phẩm du lịch chủ đạo mà tỉnh định hướng cho huyện hướng tới là: du lịch văn hóa; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng núi, vùng đồi, hồ gắn với các khu, điểm du lịch; du lịch nông thôn; du lịch khác và các sản phẩm bổ trợ.

Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ về phát triển sản phẩm và thị trường du lịch tại huyện Thọ Xuân. Bao gồm: giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống và phát triển du lịch, giữa phát triển đô thị với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch. Nghiên cứu, tập trung đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để tạo điểm đến thực sự quy mô từ các doanh nghiệp lớn mạnh, có thương hiệu trong lĩnh vực du lịch; tập trung nâng cao chất lượng, mang đậm bản sắc, có khả năng cạnh tranh cao với các điểm đến khác trong tỉnh, trong khu vực và trong cả nước. Quan tâm xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch của huyện.

Kết nối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thu hút thị trường du lịch là học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên nhằm tăng cường kết hợp giáo dục với các hoạt động trải nghiệm, học tập trực quan, thực tế, thông qua các hoạt động thăm quan, giới thiệu, thuyết minh về các giá trị lịch sử, văn hóa của các khu, điểm du lịch tại huyện Thọ Xuân.

Thu hút thị trường nội địa Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và đặc biệt là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tuyến đường bay hiện đang được các hãng hàng không khai thác, đồng thời mở rộng thu hút thị trường khách quốc tế như Đông Nam Á, Đông Á, Australia, Tây Âu, Bắc Mỹ.

Ngọc Huyền