Văn hóa, du lịch

Thảo luận lên phương án phục hồi du lịch giai đoạn 2021 - 2023

Thứ hai, 5/4/2021 | 14:48 GMT+7
Mới đây, tại tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021 - 2023 - Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ", Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan đã cùng thảo luận đưa ra hướng phục hồi du lịch từ nhiều lợi thế sẵn có.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã biến du lịch từ ngành tăng trưởng ổn định nhất trở thành ngành bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế dịch và trở thành “quốc gia an toàn” trên thị trường quốc tế. Đây chính là thế mạnh, là đòn bẩy cho du lịch Việt Nam tăng trưởng và phục hồi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2020, du lịch Việt Nam liên tục được vinh danh là điểm đến văn hóa hàng đầu châu lục và quốc tế. Sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ VHTTDL đã có nhiều chiến lược kích cầu du lịch, nhờ vậy lượng khách nội địa trong năm qua đạt 56 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.

Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Điều này cũng phù hợp với định hướng của ngành du lịch các nước trên thế giới.

Tại buổi tọa đàm, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định, nhu cầu đi du lịch của người Việt Nam rất lớn. Theo nghiên cứu, trước dịch Covid-19, người Việt Nam sẵn sàng chi trả từ 8 - 10 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đi du lịch nước ngoài bị ngưng trệ, các doanh nghiệp cần tìm cách khai thác triệt để nguồn tài chính này.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương Trần Kiều Dung đưa ra 5 kiến nghị. Cụ thể: phát động chương trình du lịch nội địa, kích cầu trong nước; đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên Ngày du lịch, bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn; các doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo sự an toàn cho khách, tăng cường dịch vụ và giảm chi phí; các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ trong đào tạo lại đội ngũ nhân lực; các doanh nghiệp cần chung tay kết nối tạo nên chuỗi du lịch độc đáo cho du khách.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chia sẻ thông tin, tỉnh hiện đã có sẵn nhiều kế hoạch, kịch bản phát triển du lịch trở lại. Nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng hình ảnh Huế là một điểm đến an toàn để mọi người yên tâm du lịch đã được triển khai. Địa phương đã ban hành nhiều chính sách kích cầu để du khách tiếp cận, giảm giá vé, dịch vụ; tổ chức tái khởi động ngành du lịch Thừa Thiên Huế, mở đầu cho chuỗi hoạt động, kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2021.

Cùng với Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định chính quyền địa phương này đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải nhanh chóng phục hồi du lịch an toàn, bền vững để chuẩn bị cho mùa cao điểm. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc. 

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, Bộ VHTTDL đã tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Nước ta sẽ dựa vào "hộ chiếu vaccine", kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.

Đối với thị trường quốc tế, cần chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại. Các thị trường gần trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mục tiêu mà du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng “hộ chiếu vaccine”, tạo điều kiện đón khách đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng; phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.

Khánh Huyền