Nông nghiệp sạch

Thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 19/12/2023 | 11:24 GMT+7
Tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tham vấn Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích tạo cơ hội để các bên trao đổi, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận, nhu cầu thực tiễn cho việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, nhất là những nước có mô hình Liên đoàn Hợp tác xã phát triển; thẩm quyền phê duyệt đề án, phê duyệt điều lệ và quy chế quản lý, điều hành, nguồn lực; ý kiến của doanh nghiệp về nhu cầu thực tiễn trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tổ chức sản xuất và hiệu quả sản xuất khi thành lập liên đoàn; góp ý cho nội dung đề án, các cơ sở lý luận và thực tiễn trong thành lập, vận hành thí điểm Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ sự phát triển kinh tế của đất nước. Ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43 - 45 triệu tấn, tương đương khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước. Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 40.577,6km² và có tổng dân số gần 17,8 triệu người, được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Thực tế, một số mô hình liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp đã bước đầu thành công ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu), tập đoàn Lộc Trời... Tuy quy mô và tính liên kết đã tăng nhưng các mô hình chưa có hệ thống, chưa tập trung đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh lúa gạo toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, việc thành lập Liên đoàn là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Liên đoàn vừa đại diện cho các thành viên vừa là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của các hợp tác xã thành viên, thực hiện hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã thành viên

Tại một số nước trên thế giới, Liên đoàn hợp tác xã các nước còn là cánh tay nối dài nắm bắt, phổ biến chính sách của nhà nước tới các thành viên. Thành lập Liên đoàn để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, trên cơ sở đó, tiến hành biện pháp "giảm thuốc, giảm phân", sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu… để giảm giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao.

Theo Tổng giám đốc Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) Balu Iyer, mô hình Liên đoàn Hợp tác xã khá phổ biến trên thế giới. Điển hình như tại Nhật Bản có mô hình Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp (Zen-Noh) với gần 500 hợp tác xã thành viên. Đó không chỉ là nơi phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người nông dân mà còn làm marketing, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường cho các hợp tác xã.

Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất cao về tính thiết yếu của việc thành lập Liên đoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình này để hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả, cũng như nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể cho mô hình này.

Kim Bảo (T/H)