Nâng cao hiệu quả công tác khí tượng thủy văn trong năm 2022

Thứ hai, 27/12/2021 | 14:41 GMT+7
Mới đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, ngành KTTV đã bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ. Các thể chế, chính sách, pháp luật về KTTV tiếp tục được hoàn thiện ở tầm chiến lược quốc gia.

Song song với đó, ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn” theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh: “Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của ngành KTTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua".

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận làm rõ hơn các nội dung của báo cáo tổng kết 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022; đồng thời, phân tích, nêu nhiều giải pháp đẩy mạnh các mặt công tác của Tổng cục KTTV và Viện KHKTTV&BĐKH trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Công Thành

Nhận xét về các báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành biểu dương kết quả đạt được của Tổng cục KTTV và Viện KHKTTV&BĐKH trong năm 2021. Trong năm 2021, hoạt động của ngành KTTV bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ quá trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ nên hoạt động của ngành vẫn được đảm bảo, kết quả dự báo phòng chống thiên tai đạt kết quả tốt, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Năm 2021, công tác KTTV được đánh giá là công tác quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là động lực và cũng là trọng trách của ngành KTTV trong các mặt công tác để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình dự báo, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm để thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống dự báo quốc gia. Trong đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất là cần nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cụ thể, cần tiếp tục duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động trong các phương án, tình huống phức tạp nhất, hướng tới đạt mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân là trên hết. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát sao các diễn biến KTTV để phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, giảm thiểu thiệt hại…

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho rằng, năm 2021 những kết quả nghiên cứu của Viện KHKTTV&BĐKH đa phần thể hiện ở các đề tài cấp nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn, bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế, số lượng đáng kế các bài báo đăng trên các tạp chí trong nước. Trong năm 2022, đề nghị các chuyên gia của Viện đặt trọng tâm nghiên cứu để đưa ra các phương pháp dự báo, cảnh báo được những tác động tiêu cực và lợi ích mà thời tiết, khí hậu, thủy văn mang lại; đặc biệt tập trung vào những khía cạnh như kinh tế, biến đổi khí hậu…

Mặt khác, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục KTTV cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong các hoạt động cảnh báo, dự báo. Việc chuyển đổi số trong hệ thống dự báo, hệ thống quan trắc được tự động hóa là rất quan trọng.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, bộ ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Tăng cường tuyên truyền đến người dân, biểu dương cách làm của Tổng cục khi dùng Zalo, mạng xã hội để cung cấp thông tin KTTV đến nhanh hơn với người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó nâng tầm ngành KTTV Việt Nam.

Mỹ Dung (T/H)