Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nguồn tài nguyên nước phong phú, bao gồm tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Hương, sông Ô Lâu, sông Nông, sông Truồi, sông Cầu Hai, sông Bù Lu, sông A Sáp. Tỉnh còn là nơi hội tụ của hầu hết các con sông trước khi ra biển nên có tài nguyên nước lợ, có thể kể đến hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm phá có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước dưới đất của tỉnh cũng đa dạng, bao gồm nước nhạt và nước khoáng nóng, được phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, 7 nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn có thể sử dụng để uống và chữa bệnh, phân bố từ vùng rừng núi, gò đồi đến đồng bằng ven biển.
Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200m3/ngày. Chính lượng nước này cùng hệ thống các thủy vực dày đặc với tổng lượng nước mặt phong phú đã đảm bảo cho Thừa Thiên - Huế tránh được những đợt hạn hán khốc liệt và kéo dài.
Đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai là nơi cung cấp nước và nguồn lại thủy sản lớn cho người dân
Thừa Thiên - Huế có lượng mưa trung bình năm thuộc loại lớn của vùng Bắc Trung Bộ, đây là một trong những nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tâm mưa lớn nhất là Nam Đông - Bạch Mã, với lượng mưa trung bình hàng năm từ 3400 - 4000mm...
Theo ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững. Những năm qua, tỉnh cùng các Sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện; hoàn thiện thể chế và văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi, tài nguyên nước với trọng tâm là cán bộ cấp huyện, cấp xã. Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng.
Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Để khai thác, quản lý, phát triển bền vững tài nguyên nước, tỉnh sẽ xây dựng, thực hiện đề án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, hồ và đề án điều tra, đánh giá, khoanh định vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.