Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý

Thứ tư, 29/3/2023 | 11:26 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030.

Theo đề án, UBND tỉnh yêu cầu đến năm 2023, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế và trên 90% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường. Phấn đấu chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt của các hộ gia đình được phân loại riêng với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom riêng để vận chuyển và xử lý từ 70% lên 100%.

Đặc biệt, phấn đấu đạt 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 100% chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ được kê khai, báo cáo theo đúng quy định. 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ được quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý. 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. 85% phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Đảm bảo có các khu xử lý chất thải rắn xây dựng phục vụ nhu cầu của các địa phương trên toàn tỉnh. 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030

Thông qua đề án, Thừa Thiên Huế muốn phân loại chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt, trong đó chất thải rắn được thu gom, vận chuyển, xử lý riêng. Tỉnh sẽ trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả huyện thị trên địa bàn.

Theo đó, hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải rắn ở khu vực đô thị sẽ duy trì theo hai hình thức thu gom trực tiếp và qua điểm tập kết. Đối với hình thức thu gom trực tiếp, công nhân thu gom chất thải rắn đến từng tại hộ gia đình, các kiệt tiếp nhận và vận chuyển chất thải rắn về các điểm tập kết tạm thời. Hình thức qua điểm tập kết được công nhân cùng xe chuyên dụng đến các cơ quan, các điểm tập kết chất thải rắn, khu vực công cộng... đưa chất thải rắn về khu xử lý.

Ở khu vực nông thôn, các địa phương chủ động thành lập các đơn vị thu gom chất thải rắn (công ty, hợp tác xã) bằng phương pháp thủ công, sau đó tập kết chất thải rắn đến những điểm trung chuyển để các đơn vị dịch vụ vận chuyển chất thải rắn về khu xử lý tập trung. Ở khu vực miền núi cách xa đường giao thông, quốc lộ, dân cư thưa thớt thì chủ động bố trí hợp lý điểm thu gom, tập kết hoặc tăng cường vận động người dân sử dụng chất thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ vi sinh, thành lập các tổ tự quản ở các thôn, xóm hướng dẫn người dân tự phân loại chất thải rắn tại nguồn, sử dụng chất thải rắn hữu cơ làm phân..

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả các huyện đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm và giảm tải cho các khu xử lý chất thải rắn hiện hữu, tiến đến đóng cửa các bãi chôn lấp theo quy định.

Hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn, xúc tiến đầu tư Nhà máy xử lý ở khu xử lý Hương Bình; hoàn thành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại khu xử lý Phú Sơn, Hương Bình để đưa vào hoạt động. Cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy theo quy hoạch để phục vụ cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và vùng phụ cận. Hoàn thành, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 3 huyện Nam Đông và A Lưới, Phong Điền.

Đề án nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương và các hộ gia đình trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cấp huyện cụ thể về chủng loại, kích thước, quy cách, nội dung in trên thùng đựng chất thải rắn sinh hoạt, nắp đậy hố để các huyện, thành phố, thị xã làm cơ sở đấu thầu mua sắm theo quy định.

Kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án là gần 2.000 tỷ đồng, được phân bổ theo hai giai đoạn, bao gồm giai đoạn I (từ nay - 2025) là hơn 706 tỷ đồng; giai đoạn II (2026 – 2030) là 1.209 tỷ đồng.

Mộc Trà